
Xã Tràng An có khoảng 30ha trồng sen.
Ngay từ đầu hè, khi những bông sen bung nở thơm ngát trên khắp cánh đồng ở xã Tràng An, khách du lịch đã nườm nượp kéo về để tham quan, chụp ảnh. Chị Phạm Ngọc Tuyền (khu 2, phường Hưng Đạo, TX Đông Triều) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Tràng An ngắm sen và chụp ảnh. Không gian rất yên bình và thơ mộng, bầu không khí trong lành, dễ chịu. Tôi cảm thấy vô cùng thoải mái. Tuy nhiên, không gian chụp hình, như cầu tre, chòi nghỉ còn ít, nên sẽ khá khó khăn nếu đi vào dịp cuối tuần. Các hộ dân nên đầu tư tiếp một vài điểm để du khách thoải mái tận hưởng, có thêm những bức hình đẹp”.
Ba năm trở lại đây, loại hình dịch vụ du lịch tham quan, chụp ảnh tại đầm sen bắt đầu phát triển, mang lại lợi nhuận cho người dân. Du khách đến đây chỉ phải trả khoản phí 20.000-30.000 đồng/người để tham quan, chụp ảnh; hay mua thêm một bó sen với giá 50.000-70.000 đồng làm quà. Tuy nhiên, số hộ đầu tư phục vụ du lịch chưa nhiều, dịch vụ đi kèm còn khá sơ sài, chưa khai thác triệt để thế mạnh của những đầm sen này. Phần lớn thu nhập từ đầm sen vẫn phụ thuộc vào thu hoạch hạt sen, trong khi giá cả bấp bênh. Hiện giá hạt sen thu hoạch đầu mùa khoảng 60.000 đồng/kg, chỉ vài ngày sau giảm còn 50.000 đồng. Theo người dân ở đây, những năm trước, cuối mùa giá chỉ còn một nửa khiến người dân không khỏi ngao ngán.

Du khách tham quan, chụp ảnh tại đầm sen ở xã Tràng An.
Là một trong những hộ dân có thâm niên nhất trong trồng sen ở Tràng An, anh Vũ Văn Thư (thôn Thượng 1), chia sẻ với chúng tôi: “Đối với vùng trũng như ở đây, trồng sen cho thu nhập gấp 3-5 lần trồng lúa. Mỗi vụ sen, chúng tôi thu nhập trên 50 triệu đồng. Các dịch vụ đi kèm, như chụp ảnh, tham quan cũng mang lại nguồn lợi không nhỏ. Từ đầu năm, gia đình tôi đã đầu tư hơn 30 triệu đồng để xây dựng cầu và nhà chòi làm không gian cho du khách chụp ảnh, tham quan trải nghiệm. Tôi còn kết hợp nuôi 200 con vịt và cá để tăng thêm thu nhập”. Nhiều hộ trồng sen ở đây cho biết, sen dễ trồng, chi phí thấp, năng suất cao hơn nhiều lần trồng lúa. Thời điểm xuống giống sen là đầu tháng 2, từ tháng 5 khi sen nở đã bắt đầu thu hoạch và kéo dài đến tháng 9. Ngoài hạt sen, các sản phẩm khác, như hoa sen, lá sen, ngó sen cũng được thu mua. Gia đình nào khai thác tốt còn xen canh nuôi ốc, nuôi cá để tăng thu nhập.

Người dân thu hoạch lá sen.
Lãnh đạo xã hiện rất tâm huyết với các hướng phát triển mới cho cây sen. Phó Chủ tịch UBND xã Tràng An, Hoàng Thị Xinh cho biết: Hiện xã có khoảng 30ha trồng sen, mang lại hiệu quả kinh tế cao từ nguồn thu mua hạt. Tuy nhiên, những năm trước, giá hạt sen vẫn phụ thuộc vào thương lái, lên, xuống thất thường, khiến người dân không yên tâm. Năm nay xã đã thành lập HTX Sen Tràng An; ban đầu có 7 thành viên, nay có gần 50 hộ dân xin gia nhập. HTX thực hiện bao tiêu sản phẩm, ổn định giá để người dân không phải chịu thiệt thòi. Xã phấn đấu đưa sản phẩm từ sen đạt tiêu chuẩn VietGap để cung cấp cho các siêu thị, trung tâm mua sắm, các điểm du lịch. Để mở rộng đầu ra cho sản phẩm, nhiều hộ dân đã chủ động bán hàng trên mạng, không phụ thuộc vào thương lái; quảng cáo về chụp ảnh đầm sen, nhằm thu hút du khách...
Không chỉ “giải bài toán đầu ra cho sản phẩm”, xã còn có nhiều ý tưởng phát triển, định hướng dịch vụ đi kèm để phục vụ nhu cầu cho du khách tham quan, cũng như phát triển sản phẩm từ sen, như: Chè sen long nhãn, trà ướp hoa sen, hạt sen sấy khô, dịch vụ ăn uống với các món ăn dân dã đặc trưng vùng quê... Hy vọng với sự năng động của người dân và chính quyền, thương hiệu sen Tràng An sẽ nhanh chóng được nhiều người biết đến.