
BQL Vịnh Hạ Long phối hợp với các đoàn chuyên gia triển khai giám sát các loài thực vật đặc hữu thuộc Vịnh Hạ Long. (Ảnh BQL Vịnh Hạ Long cung cấp)
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, VHL đang tồn tại 10 kiểu hệ sinh thái đặc thù của quần đảo đá vôi vùng nhiệt đới, gồm: Hệ sinh thái các thảm thực vật trên đảo; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái cỏ biển; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái vùng triều đáy mềm và đáy cứng; hệ sinh thái bãi triều cát; hệ sinh thái tùng - áng; hệ sinh thái vùng ngập nước thường xuyên ven bờ; hệ sinh thái hang động... Những hệ sinh thái của vùng biển này là “kho” lưu trữ nguồn gen, nơi nuôi dưỡng và sinh trưởng của gần 3.000 loài động, thực vật với 1.260 loài trên cạn và 1.553 loài sống dưới nước; trong đó có 102 loài quý hiếm đang bị đe dọa ở các cấp độ khác nhau theo Sách đỏ Việt Nam, Công ước CITES, Danh lục đỏ của IUCN (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế) và 17 loài thực vật đặc hữu thuộc VHL, như: Cọ Hạ Long, Thiên Tuế Hạ Long, Nhài Hạ Long, Ngũ gia bì Hạ Long...

Tiến sĩ Lưu Hồng Trường, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, sử dụng máy tính để hướng dẫn các thành viên trong đoàn phương thức giám sát các loài ưu tiên trên cạn ở Áng Cá Hồng, Vịnh Hạ Long.
Xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa của giá trị đa dạng sinh học đối với Di sản VHL, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị này luôn được Ban quản lý VHL đặc biệt quan tâm. Những năm qua, Ban đã chủ động phối hợp, liên kết với các chuyên gia quốc tế, các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học và các ban, ngành liên quan, triển khai các hoạt động nghiên cứu, giám sát đa dạng sinh học. Các hoạt động được thực hiện trên 2 nội dung chính: Khảo sát, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học VHL; triển khai các hoạt động giám sát, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học. Cụ thể, năm 2008 và 2015 Ban đã thực hiện giám sát các rạn san hô trên VHL để cập nhật những số liệu mới nhất về hiện trạng rạn san hô (thành phần loài và độ phủ), từ đó đề xuất các biện pháp quản lý, bảo tồn phù hợp. Kết quả, tổng hợp được bộ cơ sở dữ liệu về thành phần với 212 loài, 66 giống thuộc 11 họ của bộ san hô cứng Scleractinia và 1.315 loài sinh vật sống trong quần xã rạn san hô. Từ kết quả giám sát, năm 2016, Ban đã thực hiện khoanh vùng và cắm biển bảo tồn hai khu vực có độ phủ san hô cao trên VHL tại các khu vực Cống Đỏ, Hang Trai, để bảo tồn nguyên trạng giá trị đa dạng sinh học hệ sinh thái rạn san hô.

BQL Vịnh Hạ Long phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản và hệ sinh thái của Vịnh Hạ Long (Ảnh BQL vịnh cung cấp).
Trong 4 năm (2013, 2015, 2016, 2018), BQL VHL đã tiến hành giám sát hiện trạng phân bố của các loài thực vật đặc hữu trên VHL; điều tra bổ sung, đánh giá đa dạng thực vật bậc cao có mạch và tìm kiếm các loài thực vật có hoạt tính sinh học tại các đảo trên Vịnh; giám sát hiện trạng phân bố của các loài thực vật đặc hữu (Cọ Hạ Long) và một số loài thực vật có giá trị khác, như cây Bông mộc và loài Lan hài vệ nữ hoa vàng. Qua đó, xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về thực vật trên các đảo VHL. Đặc biệt, trong quá trình giám sát đã ghi nhận 1 loài mới cho khoa học (Munronia petiolata N. T. Cuong, D. T. Hoan & Mabb.) và 1 loài mới cho hệ thực vật Việt Nam (Olea neriifolia H. L. Li) tại VHL.
Cùng với những hoạt động trên, việc giám sát hệ sinh thái rừng ngập mặn, sự phân bố của thạch thùng mí, quan trắc chất lượng môi trường nước, các hoạt động tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn cũng được BQL Vịnh phối hợp với các đơn vị triển khai, đã giúp xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ về đa dạng sinh học VHL, góp phần bảo vệ tính nguyên vẹn của giá trị đa dạng sinh học trên Vịnh.
Tiến sĩ Lưu Hồng Trường, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), cho biết: "Tôi đánh giá cao các hoạt động của BQL VHL trong việc triển khai các hoạt động giám sát đa dạng sinh học. Không những thu thập được hiện trạng của các hệ sinh thái, thực trạng quần thể các loài động thực vật, hoạt động này còn giúp các bạn xem xét được những lợi ích đối với cộng đồng dân cư địa phương, từ việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên cho đến các mối đe dọa trực tiếp, gián tiếp đối với đa dạng sinh học. Đây là những hoạt động cần thiết để Quảng Ninh chuẩn bị hồ sơ tái đề cử Di sản thiên nhiên thế giới xem xét bổ sung tiêu chí thứ 10 về đa dạng các loài trong tiêu chí của Di sản thiên nhiên thế giới.