Vịnh Hạ Long có rất nhiều địa danh liên quan đến truyền thuyết đàn rồng giáng trần.
Quảng Ninh hiện có 5 Di tích quốc gia đặc biệt, hơn 600 di tích lịch sử - văn hóa khác gắn với các địa danh, đã tạo thành những điểm đến du lịch hấp dẫn du khách. Tên gọi của mỗi điểm đến lại hàm chứa những nội dung văn hóa sâu sắc. Theo thống kê chưa đầy đủ của ông Nguyễn Cảnh Loan, đồng tác giả công trình “Địa danh Quảng Ninh, xưa và nay”, trên địa bàn tỉnh hiện có 30 địa danh liên quan đến rồng xuất hiện trên các vùng biển Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long... Nghiên cứu những địa danh liên quan đến rồng gắn với nhiều truyền thuyết, huyền thoại sẽ xây dựng được những điểm du lịch hấp dẫn ở Quảng Ninh.
Theo dòng lịch sử, Quảng Ninh đã tạo được cho mình một kho tàng địa danh đồ sộ, là cơ sở dữ liệu rất quý báu cho các nhà nghiên cứu. Ví dụ như địa danh đồn Tĩnh Hải ở xã đảo Ngọc Vừng (Vân Đồn) là tên gọi một đồn binh cỡ lớn trên biển và rất hiếm có. Hay như trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều địa danh ở Quảng Ninh đã đi vào lịch sử, như: Đồi cao văn hóa Hà lầm, đồi cao Cô Tô, Đường số 4 Điền Xá, đồi pháo Đặng Bá Hát v.v. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989), nhiều địa danh đã gắn với chiến công của quân và dân Quảng Ninh, như: Điểm cao 600, điểm cao 550, Cao Ba Lanh, Đồi Tây, Pò Hèn, Lục Chắn, Lục Lầm, Trà Cổ, v.v. Hay như ở Hoành Bồ có cụm di tích núi Mằn với nhiều tầng văn hóa được phát lộ. Ông Nguyễn Cảnh Loan cho rằng, nếu phục dựng căn cứ quân sự lớn thời nhà Mạc ở Hoành Bồ sẽ tạo ra một điểm tham quan độc đáo.
Thậm chí, ở Quảng Ninh, có những địa danh xuất hiện và tồn tại từ hơn 800 năm nay, như: Đông Triều, Vân Đồn, núi Tiêu, làng Đạm Thủy.v.v. Những địa danh này vừa là sản phẩm kết tinh văn hóa dân tộc vừa gắn với lịch sử, thấm đẫm mồ hôi, máu xương của cha ông. Nghiên cứu xây dựng địa danh lịch sử văn hóa thành điểm đến du lịch vừa phát triển kinh tế - xã hội lại vừa tạo ra được nguồn thu để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, lại là trách nhiệm của hậu thế với tiền nhân.
Bãi đá Móng Rồng ở Cô Tô.
Địa danh Quảng Ninh có tính chất khả biến, nhiều tên gọi theo đó cũng đã thay đổi theo thời gian. Đơn cử như núi Bài Thơ ở TP Hạ Long, trước đây đã từng có các tên là Rọi Đèn, Truyền Đăng gắn với những câu chuyện lịch sử hấp dẫn về vùng đất. Địa danh đã tạo ra sức hấp dẫn cho điểm đến. Cùng với đó, nhiều tên gọi cũng đã thay đổi theo điều kiện lịch sử, xã hội cụ thể để phù hợp với thực tiễn. Ví dụ, hòn Gà Chọi, biểu tượng của Vịnh Hạ Long và du lịch Việt Nam nay thống nhất được gọi là hòn Trống Mái để tạo ra hình ảnh thân thiện, ấn tượng. Hay như các địa danh hang Sửng Sốt, Thiên Cung, động Ngỡ Ngàng, động Thiên Đường, bãi đá Móng Rồng, đường Tình Yêu... là những cái tên kích thích trí tò mò, khơi gợi cảm xúc của du khách.
Khi đã nhận thức rõ ý nghĩa nội hàm văn hóa của địa danh sẽ xây dựng được hệ thống địa danh Quảng Ninh một cách chuẩn hóa, thống nhất. Theo ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, kho tàng địa danh sẽ tạo tiền đề nhận thức và cơ sở lý luận cho hoạt động du lịch, góp phần đắc lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Từ nguồn cơ sở dữ liệu này, các hướng dẫn viên sẽ xây dựng cho mình các bài thuyết minh hấp dẫn.
Tuy nhiên, khi xây dựng hệ thống địa danh Quảng Ninh cũng cần chú ý đến sự hài hòa giữa tính dân tộc và tính quốc tế, tôn trọng lịch sử, đảm bảo tính trong sáng, văn minh, không gây hiểu lầm, nhầm lẫn giữa các địa phương với nhau. Địa danh của những điểm đến du lịch cần có tính ổn định, xác minh ranh giới và có chỉ dẫn địa lý cụ thể, nhất là đối với những điểm đến đã có thương hiệu bền vững.