Cuối tháng 10 vừa qua, tại buổi kiểm tra xây dựng tuyến đường hoa xã Hà Lâu, lãnh đạo huyện Tiên Yên đã đưa ra kế hoạch xây dựng thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu trở thành Bản du lịch homestay.
Đám cưới người Dao được tổ chức tại thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên).
Khe Lẹ là thôn có 100% đồng bào người dân tộc Dao. Trận mưa lũ lịch sử cuối năm 2015 đã gây thiêt hại nặng nề cho nhiều hộ dân nơi đây. Để giúp bà con ổn định cuộc sống, UBND tỉnh và huyện Tiên Yên đã xây dựng khu tái định cư cho nhân dân ra vùng an toàn, cũng trên địa bàn thôn là khu đồi trồng keo trước đây, có diện tích 8,7ha, cách trung tâm xã Hà Lâu hơn 1,5km. Thôn được xây dựng trên vùng đất mới với các tuyến đường hoa, tranh vẽ tường, xây dựng vườn rau hữu cơ, khu chăn nuôi tập trung...
Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên yêu cầu chính quyền địa phương phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên giữ nguyên hiện trạng những cánh rừng nguyên sinh hiện có, tăng cường công tác quản lý, tập trung trồng mới các loại cây gỗ lớn. Tạo dựng cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp quanh khu vực thôn Khe Lẹ, đồng nhất một số loại cây trồng, bổ sung trồng hoa, tạo đường đi cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm gắn với phiên chợ Hà Lâu, phục dựng các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào người Dao (lễ cấp sắc, lễ rước dâu...), tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong việc xây dựng, giữ gìn vệ sinh môi trường...
Trao đổi với phóng viên, ông Lý Văn Diểng, Bí thư Đảng ủy xã Hà Lâu, cho biết: Nằm gần trung tâm xã Hà Lâu, nơi hằng tuần vẫn diễn ra phiên chợ Hà Lâu, Khe Lẹ còn lưu giữ rất nhiều nét đặc trưng văn hóa của người Dao. Hiện nay, Hà Lâu vẫn còn giữ được hệ thống rừng tự nhiên khá phong phú. Xã nằm giáp với huyện Bình Liêu và huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn), đều là các huyện đang phát triển du lịch. Vì thế, nếu Hà Lâu được đầu tư tốt về du lịch thì chắc chắn sẽ là điểm lựa chọn của nhiều du khách. Khách du lịch đến Hà Lâu, muốn nghỉ qua đêm thì Bản homestay Khe Lẹ sẽ là địa điểm phù hợp.
Chợ phiên Hà Lâu thu hút nhiều người từ các địa phương lân cận đến trao đổi, mua bán.
Từ tháng 10/2018, huyện Tiên Yên đã khôi phục lại Chợ phiên Hà Lâu - phiên chợ có từ năm 1965 và từng bị mai một. Chợ phiên Hà Lâu không chỉ thu hút người Dao đến từ các thôn bản của Hà Lâu và các xã của huyện Tiên Yên, mà còn thu hút cả bà con các dân tộc đến từ huyện Bình Liêu và các huyện Đình Lập, Lộc Bình của tỉnh Lạng Sơn sang mua bán, trao đổi hàng hóa. Hàng hóa trong các phiên chợ đều sản xuất tại địa phương, như: Măng rừng, quế, gà Tiên Yên, bánh chưng gù, mía, gạo nếp nương, khau nhục, kẹo lạc hồng, quần áo thổ cẩm…
Rừng tự nhiên Hà Lâu tại khu vực thôn Bản Danh, trên đường đến hang Rồng.
Trung tuần tháng 4/2018, Hà Lâu đã phát hiện ra hang Rồng ở ngọn Khe Lù, vị trí giáp ranh giữa thôn Bản Danh và thôn Khe Tao của xã. Trước cửa hang là khối đá lớn mang hình con rùa khổng lồ, trong hang có nhiều hóa thạch mang hình dáng kỳ lạ giống như xương sống của loài bò sát lớn hình rắn... Thời điểm đó có khá nhiều du khách tìm đến hang Rồng, có ngày có đến 200 lượt khách. Trên con đường đến hang Rồng, du khách phải đi qua khu rừng tự nhiên có thác nước nhỏ. Nhiều loại hoa như hoa mai rừng, hoa sim, hoa mái… nở theo mùa dọc trên đường đi rất đẹp. Ở thôn Nà Hắc, xã Hà Lâu lại có khu rừng nguyên sinh rộng khoảng 300ha nằm giáp khu dân cư, suốt trăm năm nay được bảo vệ từ sự vào cuộc của người dân trong thôn. Ở đây, người ta dễ dàng tìm thấy những thân cây cổ thụ với đường kính hàng mét, chu vi vòng tay vài người ôm. Nơi này còn có thác Cá Nhảy với phong cảnh khá hấp dẫn...
Bí thư Đảng ủy xã Lý Văn Diểng cho biết thêm: Hà Lâu có nhiều tiềm năng phát triển du lịch để tiến tới xây dựng Bản homestay Khe Lẹ. Tuy nhiên, công việc trước mắt là bảo vệ, phát huy những tiềm năng đã có và kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết cùng chung sức xây dựng để Hà Lâu thực sự là điểm đến của du khách.