Bình Liêu: Tập trung phát triển bền vững

05/10/2020 09:49

Bình Liêu đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tổng khách du lịch đạt 221.900 lượt, tổng doanh thu đạt 152,7 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 648.000 lượt người, doanh thu khoảng 554,3 tỷ đồng, đóng góp 20,3% vào tăng trưởng kinh tế của huyện. Để hiện thực hoá mục tiêu trên, hiện nay huyện đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp đột phá, phù hợp...

Đầu tư trọng tâm, trọng điểm


Du khách tham quan điểm du lịch Thác Khe Vằn, xã Húc Động.

Trong 2-3 năm trở lại đây, những địa danh như Khe Vằn, Khe Tiền, Cao Ba Lanh, Cao Xiêm, Cao Ly, những cột mốc 1305, 1327... đã trở nên quen thuộc với du khách trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là những khách "phượt". Khi nhắc đến Bình Liêu, du khách không chỉ nghĩ về một vùng đất biên giới với trên 94% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gắn với đặc thù phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, cửa khẩu; mà còn biết đến là một địa điểm du lịch đặc sắc, ấn tượng. Để có được kết quả này, huyện Bình Liêu đã quan tâm tập trung đầu tư đồng bộ, bài bản các điều kiện phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn.

Một trong những giải pháp quan trọng góp phần tạo nền tảng phát triển du lịch Bình Liêu chính là việc tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển du lịch. Trên cơ sở này, thời gian qua Bình Liêu đã chú trọng đầu tư, hoàn thành các tuyến đường tuần tra biên giới, đường lên các cột mốc có cảnh quan đẹp, đường Lục Ngù - Khe Tiền, đường Nà Ếch - Khe Vằn, đường Đồng Văn - Khe Tiền, tuyến đường Thị trấn Bình Liêu - Húc Động; hoàn thành đường liên thôn, xã đến các điểm du lịch tiềm năng trên địa bàn. Huyện cũng đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, trong đó, đã xây dựng hoàn thành cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) đây sẽ là điều kiện quan trọng để tạo động lực và hợp tác phát triển du lịch biên giới...

Để phát triển du lịch bền vững, hiện nay, hạ tầng viễn thông trên địa bàn huyện đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển; các biển chỉ dẫn được ngành giao thông đầu tư chỉ đường đến các điểm du lịch thuận tiện, bài bản. Đến nay, trên địa bàn có 28 cơ sở lưu trú với gần 300 phòng nghỉ; trong đó, 8 cơ sở với 58 phòng được Sở Du lịch thẩm định xếp hạng đủ tiêu chuẩn đón khách du lịch. Trên địa bàn cũng phát triển một số nhà ở cho khách du lịch thuê hoạt động khá hiệu quả như: Homestay A Dào (Phạt Chỉ - Đồng Văn), homestay Hoàng Sằn (Đồng Thanh - Hoành Mô)...

Đặc biệt, từ năm 2019 huyện huy động nguồn lực đầu tư triển khai hoàn thiện các quy hoạch trọng điểm như: Quy hoạch xây dựng bản văn hóa người Tày gắn với phát triển du lịch tại Bản Cáu, xã Lục Hồn; quy hoạch dự án nâng cấp, mở rộng đền và đài tưởng niệm liệt sĩ Cao Ba Lanh; quy hoạch khu du lịch trải nghiệm rừng sở huyện Bình Liêu; quy hoạch mở rộng chợ Đồng Văn; quy hoạch điểm dừng chân cột mốc 1305... qua đó giới thiệu, xúc tiến và tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai thực hiện. Đồng thời, Bình Liêu đã tập trung khôi phục, duy trì, tạo dựng các lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số, như: Lễ hội đình Lục Nà của dân tộc Tày, hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chay, ngày lễ Kiêng gió của dân tộc Dao, các chợ phiên chủ nhật hằng tuần; Lễ hội hoa sở... đã tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách đến với Bình Liêu.

Để phát huy thế mạnh địa phương, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, Bình Liêu chú trọng công tác quảng bá, tuyên truyền điểm du lịch của huyện; tăng cường quản lý nhà nước và đào tạo nhân lực du lịch; mở rộng thị trường du lịch, kết nối với các thương hiệu Vietravel, Halotours, PYS Travel, Saigontourist... Huyện cũng xây dựng các sản phẩm du lịch quy hoạch 7 nhóm sản phẩm theo chuyên đề, nổi bật là: Du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch trải nghiệm bản sắc văn hóa, trải nghiệm các lễ hội, ngày hội trên địa bàn...


Hạ tầng giao thông của huyện Bình Liêu từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Trong ảnh: Tuyến đường thị trấn Bình Liêu - Húc Động hoàn thành trong tháng 4/2020.

Xác định thế mạnh, tạo lợi thế cạnh tranh riêng

Trong năm 2020, cùng với các địa phương khác trong cả nước, du lịch Bình Liêu chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tác động của dịch Covid-19. Theo thống kê của huyện, trong 9 tháng năm 2020, tổng lượng khách du lịch đến Bình Liêu đạt trên 10.100 lượt, bằng 11,7% kế hoạch và bằng 15,7% so cùng kỳ; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 5 tỷ đồng, đạt 20,2% kế hoạch và bằng 28,5% so cùng kỳ. Thời điểm này, cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Bình Liêu đang tập trung triển khai các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch sau đại dịch. Trong đó, công tác quảng bá, tuyên truyền điểm du lịch; tăng cường quản lý nhà nước và đào tạo nhân lực du lịch; mở rộng thị trường du lịch, kết nối với các thương hiệu du lịch nổi tiếng trong nước được huyện tập trung triển khai...

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu: Để ổn định lại mục tiêu phát triển của ngành du lịch, Bình Liêu đã xác định rất rõ thế mạnh của mình để tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng. Trong đó với 2 gói kích cầu du lịch mùa hè và mùa đông, cách xác định mục tiêu du lịch mùa hè là bước đệm, du lịch mùa đông là điểm nhấn mà Bình Liêu đang đặt ra sẽ kỳ vọng du lịch của huyện phục hồi nhanh, tiếp tục phát triển theo đúng mục tiêu, định hướng đã đặt ra.

Theo đó, gói kích cầu du lịch mùa hè từ tháng 5 đến tháng 9, gói kích cầu du lịch mùa đông từ tháng 10 đến tháng 12. Các gói kích cầu này đều bám với 7 nhóm sản phẩm theo chuyên đề, nổi bật là: Du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch trải nghiệm bản sắc văn hóa, trải nghiệm các lễ hội, ngày hội trên địa bàn...

Thời điểm này, huyện Bình Liêu đang tích cực triển khai các giải pháp để đẩy mạnh gói kích cầu du lịch mùa đông. Trong đó, điểm nhấn sẽ là các “Hội Mùa vàng 2020” và “Hội hoa sở 2020”. Đến nay, huyện đã xây dựng kịch bản với nhiều hoạt động hấp dẫn được tổ chức trong khuôn khổ các lễ hội, như: Gặt lúa trên ruộng bậc thang; giao lưu thể thao truyền thống trên ruộng bậc thang: Thi chạy, kéo co, đánh quay, đẩy gậy, ném còn...; biểu diễn các nét văn hóa đặc sắc; lễ mừng cơm mới của người Tày; giải leo núi chinh phục đỉnh Cao Xiêm... Các hoạt động sẽ được tổ chức xuyên suốt từ giữa tháng 10 tới tháng 12/2020.

Để đảm bảo cho các hoạt động này, huyện Bình Liêu đã chủ động công tác rà soát, khuyến khích phát triển hệ thống dịch vụ lưu trú, phục vụ nhu cầu ăn, uống đạt tiêu chuẩn. Đồng thời nâng cấp hoạt động quảng bá du lịch trên trang fanpage Du lịch Bình Liêu; kết nối quảng bá du lịch Bình Liêu tại các điểm Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu du lịch Bãi Cháy, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; xây dựng mô hình Bản văn hóa dân tộc Sán Chỉ tại xã Húc Động, đề án Bản văn hóa người Tày tại thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn; hoàn tất thủ tục trình UBND tỉnh công nhận ruộng bậc thang là danh thắng cấp tỉnh... Cùng với đó, huyện cũng khuyến khích các đơn vị, cá nhân tăng cường liên kết, tạo thành chuỗi sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch. Trước mắt, huyện đang đẩy mạnh hỗ trợ các nhà đầu tư, như Công ty CP XNK Long Hải JSC thực hiện dự án du lịch thác Khe Vằn; Công ty CP Du lịch Sen Á Đông thực hiện dự án du lịch cộng đồng tại xã Lục Hồn...

Nguyễn Thanh


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1062
Đã truy cập: 3329820

© Cổng thông tin điện tử Tỉnh Qu​ảng Ninh
​Giấy phép xuất bản: số 53/GP-TTĐT ngày 27/05/2015 - Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông
Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh 
Cơ quan thường trực mạng: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. 
Ghi rõ nguồn "Quảng Ninh Portal" khi phát hành lại thông tin từ ​​Website này.​​