Chớm xuân, về với các xã vùng cao của huyện Bình Liêu, đi trên những cung đường được bê tông hóa, uốn lượn bên những rừng hồi, rừng quế, đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được nét tươi mới, phấn khởi. Những cung đường mùa xuân ấy - những con đường của “ý Đảng - lòng dân” đã góp phần hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối 104 thôn, bản trên địa bàn, làm thay đổi căn bản diện mạo huyện miền núi biên giới và hơn hết là mở ra cơ hội phát triển KT-XH vùng khó, nâng cao đời sống người dân nơi đây.
Diện mạo làng quê đổi mới
100% đường nội thôn trên địa bàn xã Húc Động, huyện Bình Liêu, đã cơ bản được cứng hóa.
Trong tiết trời giá lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi đến Húc Động (huyện Bình Liêu), ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một xã nông thôn mới. Vùng quê nghèo khó khăn đã khoác lên mình chiếc áo mới, những con đường mòn, bùn lầy khó đi trước kia nay đã được mở rộng, bê tông hóa sạch, đẹp. Dọc hai bên đường là những đồi keo xanh bạt ngàn, những nếp nhà thấp thoáng trong sắc hồng, sắc trắng của rừng đào, rừng sở. Bà con đồng bào dân tộc nơi đây khuôn mặt ai cũng ánh lên niềm vui rạng rỡ. Ở miền quê này, dường như xuân đã về trên những con đường mới của “ý Đảng - lòng dân”.
Vui mừng trước sự đổi thay của quê hương, đồng chí La Ngọc Dương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Húc Động, chia sẻ: Nhân dân địa phương phấn khởi vì được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở mới những tuyến đường giao thông từ trung tâm xã đi đến trung tâm huyện và các xã lân cận, cũng như tất cả đường nội thôn, liên thôn trên địa bàn. Năm 2020, hơn 70km đường trục thôn, ngõ xóm và đường trục chính nội đồng, đường trục xã đã được bê tông hóa, nhựa hóa. Đây là đòn bẩy thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương, tạo thuận lợi cho bà con giao thương với trung tâm và các xã trong, ngoài huyện. Qua đây, góp phần tạo diện mạo mới cho xã, vốn là địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó khăn của huyện miền núi Bình Liêu.
Học sinh xã Húc Động, huyện Bình Liêu phấn khởi đến trường trên con đường rộng rãi, khang trang.
Cũng như các thôn, bản khó khăn của xã Húc Động, bà con đồng bào dân tộc ở thôn Nặm Đảng (xã Hoành Mô) cũng phấn khởi khi hơn 1km đường bê tông liên thôn Đồng Cậm – Nặm Đảng đã được hoàn thành.
Những năm trước, đây là con đường đất độc đạo hiểm trở nối 40 hộ dân của thôn Nặm Đảng – một trong những thôn khó khăn nhất của xã, xa nhất huyện Bình Liêu với trung tâm xã, thì nay việc đi lại đã dễ dàng hơn. Người dân giao thương, buôn bán cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Anh Chìu Văn Lồng, thôn Nặm Đảng, xã Hoành Mô, bộc bạch: Bao đời nay bà con ở bản chưa bao giờ nghĩ sẽ có một con đường như thế này, vậy mà bây giờ đi lại thuận tiện, sung sướng lắm. Từ con đường này, khoảng cách giữa thôn với trung tâm xã, trung tâm huyện đã được rút ngắn. Bà con đi nhặt hồi, bóc vỏ quế cũng không phải chở xuống Cửa khẩu Hoành Mô mới bán được nữa mà các xe vào tận nhà thu mua. Hồi quế cũng được giá hơn, đời sống ổn định hơn trước, bà con chúng tôi phấn khởi lắm.
Nhờ có con đường bê tông, các thương lái đưa xe vào tận nơi thu mua hồi, quế của bà con tại thôn Nặm Đảng, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu.
Chị Chìu Thị Phấu (thôn Nà Ếch, xã Hoành Mô) mở rộng quy mô nuôi gà khi các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa.
Hệ thống các công trình giao thông kết nối tới 104 thôn, bản huyện Bình Liêu là các công trình giao thông được triển khai trên địa bàn các xã: Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại, Húc Động và thị trấn Bình Liêu với tổng chiều dài hơn 250km. Tổng mức đầu tư khoảng hơn 1,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn vốn huy động của chương trình nông thôn mới, Đề án 196 (Chương trình 135), được triển khai thực hiện từ năm 2016, hoàn thành đầu năm 2020.
Đối với đồng bào nơi đây thì tết đến, xuân về, niềm vui như nhân đôi khi nay đã có thêm nhiều tuyến đường bê tông liên thôn, liên xóm, bà con đến thăm hỏi, chúc tết nhau dễ dàng hơn. Ở nhiều nơi ô tô vào được tận trong thôn, bản, trẻ em đạp xe bon bon trên đường, người dân các địa phương hồ hởi vui mừng.
Đường mới được mở đem lại những cơ hội đổi thay tích cực, diện mạo nông thôn của huyện miền núi biên giới Bình Liêu khởi sắc. Cũng nhờ đó, góp phần giúp Bình Liêu hoàn thành Chương trình 135, Đề án 196, thu nhập bình quân người dân đạt trên 33 triệu đồng/người/năm, tăng 17 triệu đồng so với năm 2016.
Sau 4 năm, hệ thống các công trình giao thông kết nối tới 104 thôn, bản của huyện Bình Liêu đã hoàn thiện.
Đồng chí Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, khẳng định: Sau 4 năm triển khai, hệ thống các công trình giao thông kết nối 104 thôn, bản đã hoàn thiện. Với địa phương miền núi biên giới, địa hình phức tạp như huyện Bình Liêu, giao thông đồng bộ, thuận lợi, không chỉ tạo động lực cho chính người dân tự lực vươn lên thoát nghèo, mà còn là điều kiện quan trọng thu hút đầu tư, phát huy lợi thế về sản xuất nông nghiệp, gắn với phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Công trình này đã được tỉnh lựa chọn công trình gắn biển chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Đây là nguồn cổ vũ lớn lao, tiếp thêm động lực để cán bộ, đảng viên, nhân dân Bình Liêu tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành thắng lợi mục tiêu KT-XH địa phương.
Khẳng định sức mạnh đoàn kết
Lễ gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV cho Hệ thống các công trình giao thông kết nối tới 104 thôn, bản của huyện Bình Liêu. Ảnh: Minh Hà
Chung vui với bà con các dân tộc huyện Bình Liêu khi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối 104 thôn, bản trên địa bàn hoàn thành, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký cho rằng: Bình Liêu có 104 thôn, bản khó khăn về giao thông kết nối, chiếm đến 50% trong tổng số 208 thôn, bản khó khăn của toàn tỉnh. Việc hoàn thành hệ thống các công trình giao thông kết nối các thôn, bản này chính là kết quả của quá trình nỗ lực vươn lên của nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu và cố gắng của hệ thống chính trị huyện. Đời sống của người dân đã có nhiều khởi sắc, có nhiều điều kiện thuận lợi để tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Việc hoàn thành hệ thống giao thông này trên địa bàn huyện Bình Liêu nói riêng, cả tỉnh nói chung đã thực sự trở thành sợi dây kết nối, thúc đẩy sự phát triển các nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội của khu vực miền núi biên giới gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.
Công trình này đã minh chứng cho sức mạnh tổng hợp, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân đồng bào dân tộc huyện Bình Liêu. Kể từ khi xây dựng nông thôn mới, câu chuyện góp đất cùng chính quyền làm đường liên thôn, liên xóm đã trở nên quen thuộc trong mỗi câu chuyện từ ngoài đồng áng về đến nhà của bà con nhân dân; là chủ đề thảo luận sôi nổi trong các cuộc họp sinh hoạt thôn, khu…
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, có được sự hỗ trợ của Nhà nước về vật liệu xây dựng, người dân trong các xã, thôn hồ hởi tham gia ngày công, đóng góp kinh phí hỗ trợ, trực tiếp tham gia vào việc làm đường. Từ đó, tạo thành phong trào mạnh mẽ, thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình nhất từ phía người dân trong làm đường nông thôn mới.
Cán bộ thôn Khe Mọi (xã Đồng Văn) vận động nhân dân hiến đất làm đường liên thôn Chi Sếnh - Nà Mang.
Đồng chí Hoàng Xuân Tân, Chủ tịch UBND xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu cho biết: “Phát triển giao thông nông thôn là tiêu chí khó khăn đối với xã Hoành Mô. Do vậy, khi bắt đầu thực hiện, xã đã ban hành kế hoạch cụ thể, tập trung mọi nguồn lực, vận động vốn đầu tư theo nhóm ưu tiên để thực hiện. Đồng thời, tích cực tuyên truyền về nông thôn mới, vận động đến từng thôn, từng hộ dân tham gia hiến đất, đóng góp công sức, tiền của nỗ lực hoàn thiện tiêu chí giao thông nông thôn. Như năm 2020, bà con nhân dân trên địa bàn đã hiến hàng nghìn m2 đất nông nghiệp, hoa màu để làm bê tông 3 tuyến đường nội thôn trên địa bàn. Đến nay, toàn xã đã có gần 70km đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, trục ngõ xóm, đường nội đồng được kiên cố hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con nhân dân”.
Đối với mỗi người nông dân chân lấm tay bùn thì “tấc đất là tất vàng”, nhưng khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, tinh thần vì lợi ích chung còn đáng quý hơn vàng. Những con người quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” quyết tâm “không cho đất nghỉ” ấy lại sẵn sàng cống hiến cả những phần đất sản xuất để thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn. Nhà nhà, người người chung sức đồng lòng với nhà nước đổi thay diện mạo nông thôn, đem đến những thay đổi tích cực, tươi sáng và tràn đầy hy vọng cho bà con nhân dân.
Năm 2020, vì lợi ích chung, nhân dân trong huyện tình nguyện đóng góp hơn 4 tỷ đồng, hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp, đất ở cùng nhiều cây cối, hoa màu để làm các hạ tầng giao thông nông thôn.
Con đường mới liên thôn Pắc Pộc, xã Hoành Mô được đầu tư to đẹp. Ảnh: Minh Hà.
Anh Tằng A Sám, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Mọi, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, chia sẻ: Năm 2020, con đường nội thôn Chi Sếnh - Nà Mang trên địa bàn thôn dài hơn 2km mới được bê tông hóa rộng rãi, sạch đẹp. Để làm con đường này, thôn đã tổ chức họp lấy ý kiến của người dân, tuyên truyền về những lợi ích thiết thực khi có đường giao thông thuận lợi. Bản thân tôi cũng như các cán bộ, đảng viên trong chi bộ đi đầu trong việc hiến đất, cây cối và vận động nhân dân cùng tham gia. Hàng chục hộ dân trong thôn đã tình nguyện hiến hơn 750 cây hồi, quế cùng nhiều tài sản trị giá hơn 1 tỷ đồng để mở rộng, bê tông hóa tuyến đường.
Việc hoàn thành hệ thống giao thông kết nối 104 thôn, bản trên địa bàn huyện Bình Liêu góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của khu vực miền núi biên giới gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN.
Xuân mới đang về, những cung đường như dẫn lối xuân tới các bản làng, đem đến niềm vui hân hoan cho đồng bào các dân tộc vùng cao nơi đây. Hệ thống các công trình giao thông này sẽ không chỉ dừng lại ở ý nghĩa to lớn trong giai đoạn 5 năm vừa qua, mà còn mở đầu cho một giai đoạn mới, với sự nỗ lực mới, quyết tâm mới của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị, nhân dân Bình Liêu nói riêng và toàn tỉnh nói chung.