Việt Nam đang ở đỉnh cao của miễn dịch cộng đồng, mở cửa du lịch góp phần khôi phục kinh tế, các địa phương cũng đã sẵn sàng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất mở cửa toàn bộ du lịch từ 30/4 song nhiều bộ ban ngành, địa phương, doanh nghiệp đề xuất thời điểm sớm hơn vì 3 lý do.
Việt Nam ở đỉnh cao của miễn dịch cộng đồng
Dự kiến ngày 30/3, Việt Nam sẽ hoàn thành mũi vaccine Covid-19 thứ 3 cho người dân và chúng ta đang có tỷ lệ phủ vaccine cao.
"Việt Nam đang ở đỉnh cao của miễn dịch cộng đồng và có thể mở cửa sớm hơn 30/4. Nếu đã tiêm mà còn ngồi yên thì phí vaccine", tiến sĩ Thu Anh, chuyên gia về dịch tễ học, cho hay. Bà cho biết Việt Nam đang có độ phủ vaccine cao, ca bệnh tuy nhiều nhưng triệu chứng nhẹ, vì thế có thể thích nghi an toàn.
Du khách tới Khánh Hòa trong đợt thí điểm đón khách quốc tế tháng 11. Ảnh: Xuân Ngọc
Các giải pháp để sống chung là đảm bảo người dân được tiêm vaccine, giãn cách theo mức hẹp nhất giữa người và người (đeo khẩu trang) và năng lực điều trị tốt. Trong đó không có giải pháp nào là "đóng cửa du lịch", vì đóng cửa cũng không làm giảm lây lan. Bà Thu Anh đề xuất du khách vào Việt Nam chỉ cần đáp ứng các điều kiện tiêm đủ vaccine, xét nghiệm âm tính nCoV 72 giờ trước khi lên máy bay để giảm thiểu sức ép lên Bộ Y tế.
Hai tháng qua, Việt Nam đón hơn 8.500 khách du lịch quốc tế, có 27 ca nhiễm Covid-19. Trong đó chỉ có một trường hợp phải điều trị tại cơ sở y tế, còn lại không có triệu chứng và âm tính sau 3-5 ngày. Tất cả được xử lý theo đúng quy trình, không gây lây nhiễm cộng đồng.
Mở cửa góp phần khôi phục kinh tế
"Việc mở cửa du lịch là vấn đề sống còn đối với khôi phục du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung" là luận điểm của ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Vì du lịch cũng là khởi đầu, ảnh hưởng tới hàng loạt ngành kinh tế khác, du lịch tan vỡ kéo theo các ngành khác như cung ứng dịch vụ tan vỡ.
Cách đây 2 tháng, Việt Nam tổ chức thí điểm mở cửa tại những địa phương đã có tỷ lệ tiêm chủng cao, có năng lực y tế tốt. Tới nay tình thế hoàn toàn khác khi toàn quốc phủ vaccine và có nhiều kinh nghiệm phòng, chống Covid-19. Ông Bình đề xuất chính thức mở cửa chứ không còn thí điểm. Ông tin tưởng sẽ có ngay ít nhất 7.800 doanh nghiệp sẵn sàng để ký quỹ, đăng ký đón khách trở lại khi Việt Nam công bố thời điểm.
Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV), cho rằng không mở cửa sẽ để lỡ "cơ hội vàng" để khôi phục du lịch. Ông cho biết năm 2019, có 250 triệu khách quốc tế tới Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Tới nay khi các quốc gia, vùng lãnh thổ trên chưa mở cửa trở lại, Việt Nam có thể đi đầu để khơi thông dòng du khách tắc nghẽn này, nâng vị thế của ngành du lịch.
Theo ông Bình, doanh nghiệp du lịch đang quá sức chịu đựng, nếu không mở cửa thì 2,5 triệu doanh nghiệp lao động khốn khó. Nền kinh tế đang mở để thích nghi an toàn, còn du lịch vẫn đóng là vô lý.
Năm 2019, tổng thu du lịch của Việt Nam là 755 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ khách quốc tế là 421 nghìn tỷ đồng (55,8%). Ảnh: Tâm Linh
Bà Trần Thị Nguyện, Giám đốc Kinh doanh Sun World, đề xuất mở cửa mốc 31/3 để doanh nghiệp có thêm sự chuẩn bị. Bà cho biết thị trường khách quốc tế cần ít nhất 1-2 tháng để xúc tiến, quảng bá trước khi trở lại, đồng thời mở cửa một tháng trước dịp lễ 30/4 cũng tạo điều kiện để xử lý các phát sinh và rủi ro.
Đại diện Sun World cũng đề xuất dừng thí điểm đón khách quốc tế hộ chiếu vaccine với quy định hiện tại vì không đạt kết quả cao. Trong 2 tháng chỉ đón hơn 8.500 khách trong đó có tới 50% là người Việt Nam cư trú tại nước ngoài hoặc có vợ/chồng người Việt. "Phản hồi không tốt của du khách về việc xét nghiệm nhiều lần, chỉ được ở trong khách sạn cho thấy Việt Nam có thể đánh mất vị thế, uy tín khi mở cửa thực sự", bà Nguyện cho biết.
Các địa phương đều đã có phương án mở cửa
Là trung tâm chuyển khách của du lịch miền Bắc, Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc mở cửa với khách quốc tế khi đón 7 triệu lượt khách năm 2019. Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND Hà Nội, đề xuất thời điểm 1/4. Thành phố cũng đề nghị các địa phương thống nhất quy định của Bộ Y tế nhằm tạo hành lang lưu thông an toàn.
Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho rằng thời điểm 1/4 là phù hợp để các doanh nghiệp có cơ hội "làm nóng" sau một thời gian dài đóng băng, sẵn sàng phục vụ du khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và SEA Games 31 vào tháng 5. Cho đến ngày 21/1, Hà Nội đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine 99,8% mũi 1 và 99,5% mũi 2. Sở cũng đang kêu gọi nhân lực trở lại, tập trung công tác đào tạo. Thời gian qua các khu, điểm du lịch đã chủ động làm mới sản phẩm với các tour trải nghiệm phố cổ bằng xe điện, "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" của bảo tàng Lịch sử quốc gia...
Năm 2021, Hà Nội đón khoảng 4 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020 và bằng 36% Kế hoạch đề ra từ đầu năm). Ảnh: Lan Hương
Hà Giang cũng đang có văn bản xin phép đón khách quốc tế. Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh, bày tỏ sự quyết tâm cao. Sau 2 tháng mở cửa thông thoáng, Hà Giang đã thu hút hơn 365.000 lượt khách nội địa, công suất phòng đạt 80-100% và không có vấn đề phát sinh. Qua kinh nghiệm đón khách nội địa, các doanh nghiệp đã thích nghi tốt, hình thành chuỗi cung ứng khép kín để kích cầu, đổi mới sản phẩm. Hà Giang đang xây dựng một quy trình đón khách, bao gồm đầy đủ yêu cầu đối với doanh nghiệp lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ và quy trình phục vụ khách, xử lý sự cố.
Đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa, một trong 7 địa phương đã được thí điểm đón khách quốc tế, đồng thuận cao với đề xuất mở cửa toàn bộ du lịch. Thời gian qua, địa phương đón 28 chuyến bay, 7.000 khách, tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện tỷ lệ tiêm vaccine của Khánh Hòa đạt 92,3% mũi 2 cho người 18 tuổi và đang tiến hành tiêm mũi 3. Ngành du lịch tỉnh cũng đã thẩm định 47 đơn vị cung ứng dịch vụ đạt tiêu chuẩn. Tỉnh cũng chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, nguồn lực y tế... Hiện có 12 cơ sở y tế có khả năng thu dung, điều trị Covid-19 cho khách quốc tế, ngoài ra 43 khách sạn là cơ sở cách ly tập trung khi cần thiết.
Nhiều địa phương khác như Quảng Nam, TP HCM, Kiên Giang... cũng bày tỏ sự đồng thuận và chuẩn bị kỹ càng đón khách trở lại.
Việt Nam dừng đón khách quốc tế từ tháng 3/2020 do dịch Covid-19 và thí điểm đón khách trở lại vào tháng 11/2021. Đến nay, Việt Nam đã đón hơn 8.500 khách, chủ yếu từ Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada...