Đại dịch Covid-19 đã thay đổi cấu trúc xã hội và thói quen của người dân, nhưng cũng tạo ra xu hướng mới trong du lịch. Đó là du lịch xanh, du lịch bền vững. Đây cũng là cơ hội để Quảng Ninh trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu, điểm đến trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách quốc tế.
Khách du lịch háo hức tham quan Vịnh Hạ Long từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.
Những trải nghiệm xanh
Giữa cái nắng hanh hao của mùa thu đông miền Bắc, chị Isabelle Fiona (quốc tịch Đức) chọn đảo Cô Tô là điểm đến trải nghiệm trong hành trình 10 ngày ở Việt Nam. 3 ngày trên “đảo ngọc”, chị được khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, nét văn hóa độc đáo của ngư dân, thưởng thức trọn vẹn hương vị hải sản tươi ngon miền biển. Chị chia sẻ: "Lần đầu tiên đến Cô Tô nhưng tôi đã mê nơi này. Biển của các bạn rất đẹp. Tôi cũng được nghe nhiều câu chuyện về vùng đất, con người nơi đây. Tất cả đều tuyệt vời. Tôi còn tham gia dọn rác trên các bãi biển để bảo vệ môi trường. Đây là một trong những trải nghiệm rất thú vị và đáng nhớ".
Những chương trình, sản phẩm du lịch ngày càng được “xanh hóa” đang trở thành xu hướng nhận được nhiều phản hồi tích cực của du khách, đồng thời tạo ấn tượng để níu chân, thu hút du khách trở lại. Tại Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17, du lịch xanh là một trong những chủ đề được nhiều nước cũng như các tổ chức quốc tế quan tâm và là xu thế mà các nước đang nỗ lực hướng đến. Bà Sarah Mathews, Giám đốc Đối tác truyền thông APAC (thuộc đơn vị đặt phòng trực tuyến TripAdvisor), cho biết: "Theo nghiên cứu của chúng tôi, năm 2021, 34% số du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường; 60% số du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho đơn vị du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn cảnh quan, văn hóa tại điểm đến. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tỷ lệ khách hàng quan tâm đến các vấn đề du lịch thân thiện với môi trường ngày càng tăng lên. Điều này khẳng định, du lịch xanh không những là sự bảo đảm cho phát triển du lịch bền vững, mà còn là giải pháp giúp gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao và có ý thức, hành động văn minh khi tham gia du lịch".
Tour du lịch kết hợp nhặt rác bảo vệ môi trường ở huyện đảo Cô Tô thu hút nhiều du khách, nhất là khách quốc tế.
Các chuyên gia du lịch cho rằng, cốt lõi của du lịch xanh là sản phẩm được tạo ra từ các thành tố thích ứng một cách hòa hợp và thân thiện với môi trường, đem đến những giải pháp an toàn với môi trường tự nhiên, môi trường sống và sức khỏe của cộng đồng cư trú, tới du khách. Nhắc đến màu xanh, chúng ta thường nghĩ đến môi trường tự nhiên, nhưng màu xanh thực sự trong du lịch được hiểu là sức sống, sự bền bỉ của các giá trị tại điểm đến sẽ sống mãi qua thời gian, bao gồm cả giá trị cảnh quan tự nhiên, văn hóa bản địa và nét đẹp trong cộng đồng, xã hội địa phương.
Từ những khái niệm đó, có thể thấy, du lịch Quảng Ninh đang sở hữu nguồn tài nguyên vô cùng phong phú và đặc sắc với nhiều danh lam thắng cảnh, văn hóa dân tộc. Trong đó, Vịnh Hạ Long luôn là tâm điểm, động lực phát triển các hoạt động du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, một số khu di tích cũng trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách, như: Yên Tử, Bạch Đằng, đền Cửa Ông, Khu di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại Đông Triều… Với địa hình đa dạng, nhiều địa phương miền núi của tỉnh có vẻ đẹp hoang sơ, mang đậm nét văn hóa của các dân tộc thiểu số, tạo nên sức hấp dẫn cho loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, như Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái... Các mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng được đưa vào khai thác, như HTX dịch vụ du lịch chèo thuyền đưa du khách tham quan làng chài Cửa Vạn, Vông Viêng; phát triển du lịch cộng đồng ở làng quê Yên Đức của Công ty CP Du thuyền Đông Dương... mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
Tàu nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long sử dụng cốc thủy tinh, ống hút giấy để giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Theo xu hướng du lịch xanh, vấn đề môi trường được tỉnh đặc biệt quan tâm. Quảng Ninh đã chủ động làm việc và nhận được sự hỗ trợ của JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) trong Dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực Vịnh Hạ Long, đã đạt được một số kết quả nhất định, như: Xây dựng hành trình khám phá văn hóa - lịch sử hào hùng đảo Quan Lạn; hành trình một ngày làm nông dân - ngư dân tại đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn); lắp đặt các nhà vệ sinh sinh thái cho tàu du lịch và trạm ủ phân vi sinh; xây dựng nhãn tiêu chí cánh buồm xanh cho tàu thủy du lịch trên Vịnh Hạ Long; xây dựng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; xuất bản sách trắng về tăng trưởng xanh Vịnh Hạ Long.
Các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến, như kỹ thuật dầu nước phân ly để lọc nước thải trước khi đưa ra môi trường, không đổ rác thải trực tiếp ra Vịnh Hạ Long, sử dụng chai nước thủy tinh, ống hút giấy, cốc giấy… để giảm thiểu tác hại đến môi trường trong quá trình vận hành du thuyền. Huyện đảo Cô Tô triển khai quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm lên đảo; đồng thời kêu gọi người dân trên đảo nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể, thiết thực...
Du khách trải nghiệm tại Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử (TP Uông Bí).
Trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19, khái niệm du lịch xanh còn bao gồm cả vùng xanh an toàn. Tháng 3/2022 khi du lịch vừa mở cửa trở lại, Quảng Ninh đã chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tỉnh không chỉ từng bước phục hồi đón khách nội tỉnh, trong nước, mà sẵn sàng các điều kiện để đón du khách quốc tế. Trong đó, nhanh chóng tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin để trở thành “luồng xanh” đón khách trong nước và quốc tế. Đến bây giờ, khi Quảng Ninh, Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, du lịch xanh an toàn chính là điểm cạnh tranh và là động lực thu hút du khách.
Chìa khóa của du lịch bền vững
Có thể thấy, du lịch xanh chính là lời giải cho du lịch bền vững. Từ năm 2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định phát triển du lịch bền vững, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm; để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh; góp phần quan trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Du khách nghỉ dưỡng tại Thiên đường hoa Cao Sơn (huyện Bình Liêu).
Quảng Ninh xác định, muốn phát triển bền vững phải chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu phát triển kinh tế từ phụ thuộc vào sản xuất công nghiệp, công nghiệp khai khoáng sang phát triển dịch vụ, du lịch bền vững và kinh tế biển đảo. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng trên quan điểm phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ và phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa, gìn giữ cảnh quan và bảo vệ môi trường. Theo đó, tổ chức không gian du lịch gắn với không gian văn hóa; xây dựng các trung tâm du lịch trọng điểm tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, Uông Bí, Cô Tô trở thành động lực phát triển dịch vụ của tỉnh và của vùng; xây dựng TP Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc gia mang tầm quốc tế gắn với bảo tồn và phát huy bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng; tập trung phát triển KKT Vân Đồn và vùng biển đảo Vân Đồn, Cô Tô kết nối với Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đặc sắc, cao cấp.
Đồng thời, phát triển đi đôi với tăng cường quản lý khu vực Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên trở thành trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, sinh thái có sức hấp dẫn cao; khu vực Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà kết nối với TP Móng Cái phát triển du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực, thương hiệu mạnh đầu tư quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại, phát triển du lịch dịch vụ đẳng cấp, bền vững trên các đảo thuộc vùng biển Vân Đồn - Cô Tô, đảo Cái Chiên (Hải Hà), Vĩnh Trung, Vĩnh Thực gắn với Khu du lịch quốc gia Trà Cổ (Móng Cái).
Với những định hướng mang tầm nhìn chiến lược, bắt nhịp xu thế, 10 năm qua, ngành Du lịch Quảng Ninh đã có những bước phát triển ngoạn mục, gắn với sự phát triển chung của kinh tế - xã hội tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 53 triệu lượt khách; thu từ du lịch đạt 101.302 tỷ đồng, nộp ngân sách 11.617 tỷ đồng. Trong đó, các thị trường khách quốc tế trọng điểm lưu trú tại Quảng Ninh tăng mạnh so với năm 2015: Trung Quốc tăng 80%, Mỹ tăng 25%, Anh tăng 36%, Tây Ban Nha tăng 40%... Thời gian lưu trú trung bình của du khách đạt 2,74 ngày. Hoạt động du lịch đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 39,3% năm 2015 lên 41,2% năm 2020. Năm 2022, khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 11,6 triệu lượt, gấp 2,6 lần; doanh thu du lịch ước đạt 25.172 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với năm trước.
Để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm du lịch tuân thủ nguyên tắc “Tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường”, “Phát triển du lịch thân thiện với môi trường”, “Không đánh đổi tài nguyên, môi trường với tăng trưởng, phát triển du lịch bằng mọi giá”.
Tỉnh triển khai mạnh mẽ các hoạt động khôi phục và bảo vệ môi trường, gắn với sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long, bảo đảm cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với năng lực quản lý và phát triển du lịch bền vững của tỉnh. Các ngành, địa phương trong tỉnh đề xuất những ý tưởng mang tính đột phá, những giải pháp quản lý phù hợp; chủ động ban hành các kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện các quy hoạch, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước với các dự án phát triển du lịch; khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái và các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thân thiện môi trường để bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân cần chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho sự phát triển bền vững của ngành Du lịch bằng những hành động thiết thực, xuất phát từ những hành vi nhỏ nhất, nhưng có trách nhiệm lớn nhất đối với cộng đồng và xã hội. Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cạnh tranh và có trách nhiệm. Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức trong cộng đồng, để mỗi người dân là một "đại sứ du lịch".
Du lịch xanh chính là “chìa khóa” của phát triển bền vững. Du lịch xanh đang là xu hướng của du lịch thế giới. Các mô hình, sản phẩm phát triển dựa trên lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, tuần hoàn tài nguyên, bảo tồn văn hóa. Khái niệm du lịch xanh không chỉ bó hẹp trong các sản phẩm, điểm đến, tour tuyến tham quan mà còn hướng đến thay đổi nhận thức cộng đồng và du khách. Đây được xác định là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng điểm đến, tăng sức cạnh tranh cho du lịch Quảng Ninh, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch quốc tế hàng đầu cả nước và khu vực