Là một trong những ngư trường lớn nhất cả nước, huyện đảo Cô Tô được thiên nhiên ưu đãi với nguồn thuỷ hải sản dồi dào, phong phú, đa dạng về chủng loại, trong đó có nhiều loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch ẩm thực (foodtour) tại Cô Tô, giúp đa dạng hoá trải nghiệm và thu hút du khách đến với hòn đảo xinh đẹp phía Đông Bắc của Tổ quốc.
“Mỏ vàng” ẩm thực
Từ lâu, ẩm thực đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu của trải nghiệm du lịch; được xác định là một trong ba nguyên nhân chính để du khách lựa chọn điểm đến. Ẩm thực, từ vai trò một dịch vụ đi kèm, đã trở thành một loại hình du lịch mới, có sức hấp dẫn cao với du khách bởi mang nét đặc trưng riêng có của mỗi vùng miền, quốc gia. Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Du lịch thế giới, 82% địa phương tham gia khảo sát đã xác định ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch. Du lịch ẩm thực - được biết tới với tên gọi Foodtour - dù mới chỉ xuất hiện cách đây chưa lâu, nhưng đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới phát triển thành công như: Pháp, Mỹ, Indonesia, Thái Lan… và được nhận định là yếu tố chiến lược, định hình cho thương hiệu và hình ảnh đối với điểm đến.
Nhiều loại hải sản Cô Tô được chế biến thành đặc sản, có hương vị tươi ngon đặc biệt.
Tại Việt Nam, quốc gia với nền văn hoá lâu đời và ẩm thực phong phú được kế thừa và tiếp biến tinh hoa của nhiều dân tộc, quốc gia trên thế giới, foodtour cũng đã và đang được xác định là một “mỏ vàng” để khai thác và phát triển du lịch. Mới đây, trong danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới được công bố trên chuyên trang du lịch nổi tiếng của Canada - The Travel, Việt Nam đứng ở vị trí thứ năm. Trước đó, Việt Nam cũng được giới truyền thông quốc tế và các giải thưởng du lịch lớn dành nhiều lời ngợi khen, bình chọn, như: Năm 2019, Giải thưởng Du lịch Thế giới đã trao giải cho Việt Nam là “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”; đầu năm 2022, Kênh truyền hình CNN (Mỹ) bình chọn ẩm thực của Việt Nam là một trong 10 nền ẩm thực tuyệt nhất thế giới. Điều này đã khẳng định giá trị to lớn của ẩm thực nói chung trong phát triển du lịch và thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Với vị trí địa lý đặc thù, là một trong các ngư trường lớn và sôi động bậc nhất vịnh Bắc Bộ, Cô Tô được thiên nhiên ưu đãi với nguồn thuỷ hải sản dồi dào, phong phú, trong đó nhiều loài có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, như: Hải sâm, bào ngư, sá sùng, tu hài… Bên cạnh đó, vùng biển và khí hậu trong lành, không bị ảnh hưởng bởi hoạt động sản xuất công nghiệp là một thế mạnh giúp cho nguồn thực phẩm được nuôi trồng, đánh bắt tại Cô Tô có chất lượng tốt hơn so với nhiều vùng miền khác trên cả nước. Đặc biệt, nhiều loại hải sản, thực phẩm chế biến từ hải sản Cô Tô đã được “nâng tầm” thành đặc sản do hương vị tươi ngon đặc biệt, được quảng bá và biết tới trên cả nước như: Mực ống tươi, mực một nắng, mực khô, nước mắm sá sùng…
Ngoài ra, với yếu tố văn hoá đa dạng, được cấu thành từ văn hoá của nhiều tỉnh thành, huyện lỵ vùng duyên hải Bắc Bộ, kéo dài từ địa đầu Móng Cái cho tới Nghệ An, Hà Tĩnh, ẩm thực Cô Tô mang nhiều phong cách đa dạng, cùng một loại hải sản, nhưng có thể chế biến thành những món ăn mang đặc trưng vùng, miền khác nhau, đem lại những hương vị độc đáo riêng. Đây là những tiền đề quan trọng để phát triển du lịch ẩm thực tại huyện đảo, giúp đa dạng hoá trải nghiệm của du khách khi tới Cô Tô; đồng thời cũng là một trong những giải pháp giúp tăng cường thu hút khách vào mùa thấp điểm; khắc phục tính mùa vụ cao trong du lịch biển tại địa phương hiện nay; gia tăng chi tiêu của du khách.
Những bài toán đặt ra
Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn tại địa phương, du lịch Cô Tô đang ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hoá với sự ra đời của nhiều công ty du lịch do người địa phương sáng lập và khởi xướng. Foodtour Cô Tô cũng manh nha bắt đầu dưới dạng lồng ghép trong các tour du lịch trải nghiệm biển đảo, nhưng chưa trở thành một sản phẩm du lịch độc lập. Anh Trần Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch trải nghiệm đảo Thanh Lân bốn mùa, chia sẻ: “Được coi như “vựa hải sản” của Cô Tô, hải sản đảo Thanh Lân rất đa dạng, tươi ngon và sẵn có nên tôi đã đưa nhiều món ăn chế biến từ hải sản vào tour du lịch để giới thiệu tới du khách, đặc biệt là món sashimi cơ bàn mai, gỏi mực, nộm sứa và hà quăn hấp nguyên con… Du khách sẽ được trải nghiệm từ khâu đánh bắt như: Cùng kéo lồng mực với ngư dân, cùng bắt ốc, bắt hà, kéo lưới, xem cách chế biến của người địa phương cho tới khi thưởng thức món ăn. Với những tour du lịch này, du khách rất thích thú và cho phản hồi tốt”.
Du khách trải nghiệm câu cá, bắt ốc tại đảo Thanh Lân, Cô Tô.
Ông Đào Đức Thực (du khách Hà Nội) cho biết: “Tôi đã đi du lịch rất nhiều nơi trên cả nước, nhưng khi đến Cô Tô, tôi thấy hải sản Cô Tô có vị ngọt đậm đà hơn hẳn nhiều vùng biển khác. Tôi thích nhất là món mực một nắng chiên, nên khi trở về Hà Nội, tôi đã mua mấy cân mực một nắng về làm quà để cả nhà cùng thưởng thức”. Cùng chung ý kiến này, bà May Hannah Rose (du khách Ireland) chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ và thú vị trước những món ăn ở hòn đảo này. Người dân ở đây có cách chế biến rất độc đáo, giữ nguyên hương vị tươi ngon của hải sản. Anh chủ homestay nơi chúng tôi ở nấu ăn ngon như một đầu bếp thực thụ vậy. Chúng tôi đã được giới thiệu rất nhiều món ăn đặc sắc, từ hải sản địa phương cho tới các món truyền thống của Việt Nam”.
Dù đang được khai thác và nhận được sự đánh giá cao của du khách, tuy nhiên, để phát triển tương xứng với thế mạnh, tiềm năng vốn có và trở thành một sản phẩm du lịch độc lập có sức hút, tính hấp dẫn cao, vẫn còn đó nhiều điều còn bỏ ngỏ khi muốn phát triển foodtour Cô Tô, như: Tiếp tục đổi mới tư duy trong phát triển du lịch; quan tâm chú trọng tới yếu tố ẩm thực trong phát triển du lịch; chú trọng đào tạo, dạy nghề du lịch một cách bài bản và chuyên nghiệp, đặc biệt là phổ biến kiến thức, kỹ năng về an toàn thực phẩm, chế biến thực phẩm để nâng cao tay nghề cho các đầu bếp tại địa phương; nâng cao nhận thức của người dân địa phương nói chung và các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nói riêng về văn hoá ẩm thực bản địa, bao gồm văn hoá ẩm thực từ các vùng miền như Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng… và nét riêng của ẩm thực Cô Tô.
Bên cạnh đó, cần thu hút, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển khu phố ẩm thực, tạo ra những không gian ẩm thực mang đậm dấu ấn biển đảo văn minh, lịch sự. Đồng thời, cần nghiên cứu đẩy mạnh gắn kết du lịch với hoạt động của các làng nghề như: Làng làm nước mắm, làng chài… tạo cơ hội để du khách tìm hiểu cách thức đánh bắt, khai thác hải sản và chế biến những sản phẩm ẩm thực địa phương độc đáo, nghe những câu chuyện về sự phát triển của sản phẩm gắn liền với đời sống, phong tục tập quán của người dân... Chính từ đây, những giá trị nhân văn, những nét đẹp văn hóa bản địa gắn liền với sản phẩm ẩm thực sẽ được lan tỏa rộng rãi và tạo ra điểm nhấn trong hành trình của du khách.
Cuối cùng, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch Cô Tô, trong đó xây dựng hình ảnh điểm đến về ẩm thực, đẩy mạnh hoạt động quảng bá về hải sản, đặc sản địa phương đến với khách du lịch trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức, như: Hội chợ ẩm thực, phiên chợ ẩm thực, chương trình giới thiệu về ẩm thực trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website, các mạng xã hội phổ biến có mức độ lan tỏa cao như Facebook, Instagram, Youtube,...
Foodtour đã và đang trở thành đề tài được quan tâm trên toàn thế giới. Việc nghiên cứu, phát triển đúng hướng, đúng nhu cầu và đúng đối tượng của du lịch trải nghiệm ẩm thực sẽ mở ra hướng đi mới cho Cô Tô trong việc xây dựng một sản phẩm du lịch mới mẻ, chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao; là hướng phát triển đúng đắn, bền vững cho phát triển du lịch.