Quảng Ninh - miền đất được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền văn hóa đặc sắc, đa dạng. Tỉnh cũng là một cực tăng trưởng của vùng tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Khai thác hiệu quả tài nguyên của vùng đất di sản, không ngừng đổi mới quảng bá, đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch... là những yếu tố giúp ngành “công nghiệp không khói” của Quảng Ninh “cất cánh” và vươn tầm mạnh mẽ.
Tiềm năng, lợi thế riêng có
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, trong bối cảnh chung cả nước tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục các hoạt động kinh tế, phát triển sản xuất, hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Ninh khi đó chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ các đoàn khách của Đảng và Nhà nước. Khách du lịch nội địa chủ yếu là khách du lịch công vụ, đoàn viên công đoàn được tiêu chuẩn đi nghỉ dưỡng với số ít khách sạn, nhà hàng tập trung ở khu vực Bãi Cháy (TX Hòn Gai)...

Vịnh Hạ Long đang được quản lý theo hướng khoa học để đảm bảo phát triển bền vững.
Ngày 17/4/1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 171-TTg về việc thành lập Sở Du lịch của một số địa phương, trong đó có Quảng Ninh. Ngày 30/6/1993, Sở Du lịch Quảng Ninh được chính thức thành lập trên cơ sở tách ra từ Sở Thương mại và Du lịch Quảng Ninh, với nhận thức đầy đủ về phát triển du lịch như một ngành kinh tế độc lập.
Nhìn tổng thể, du lịch Quảng Ninh hội tụ nhiều điều kiện đặc biệt thuận lợi để bứt phá, tạo đòn bẩy đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế trong tương lai gần. Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, là tỉnh duy nhất trong cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển tiếp giáp với Trung Quốc, Quảng Ninh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; là cửa ngõ hội nhập với thế giới của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; là điểm nút trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc và kết nối với khu vực Đông Nam Á (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN).

Chùa Hoa Yên, Yên Tử. Ảnh: Phạm Học
Cùng với đó, Quảng Ninh có thế mạnh về sự đa dạng, phong phú của tài nguyên du lịch từ thiên nhiên đến văn hóa. Tỉnh là nơi hội tụ của 22 dân tộc anh em cùng sinh sống với những bản sắc văn hoá độc đáo; sở hữu trên 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đặc sắc. Trong đó, có nhiều tài nguyên độc đáo đẳng cấp khu vực và thế giới như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, di tích - danh thắng Yên Tử. Việc Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận về các giá trị thẩm mỹ và địa chất, địa mạo; được Tổ chức New7wonders bình chọn là một trong 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới đã tạo bước ngoặt quan trọng cho phát triển du lịch của Quảng Ninh.
Đặc biệt, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang hiện đang tích cực trong giai đoạn nước rút hoàn thành việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới. Nếu được UNESCO công nhận, đây sẽ là điểm tựa quan trọng để đưa du lịch của Quảng Ninh tiếp tục bứt phá.

Nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS huyện Bình Liêu là yếu tố hấp dẫn du khách.
Thu hút nguồn lực đầu tư cho du lịch
Sáng tạo, đổi mới sản phẩm du lịch, đó là bài toán đầu tiên mà ngành du lịch Quảng Ninh đã làm và làm rất thành công trong những năm qua. Nhưng không chỉ đầu tư thuần sản phẩm du lịch, một mô hình rất thành công mà Quảng Ninh áp dụng là đầu tư hạ tầng làm đòn bẩy phát triển du lịch.

Bến cảng cao cấp Ao Tiên (huyện Vân Đồn) được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2023, tạo sự đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp về hạ tầng cảng phục vụ du lịch biển đảo của Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương
Từ năm 2013, tỉnh đã triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Tập đoàn Boston Cons