Vịnh Hạ Long (VHL) được UNESCO ghi vào Danh mục di sản của nhân loại bởi những giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan thiên nhiên, địa chất, địa mạo; là Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Thời gian qua Quảng Ninh đã đề cao trách nhiệm, có nhiều giải pháp thiết thực trong công tác quản lý, bảo vệ Di sản VHL.
Các đội đua tham gia Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race mùa giải 2023-2024 diễu hành quanh Vịnh Hạ Long. Ảnh: Đỗ Phương
Sức hấp dẫn của Di sản Vịnh Hạ Long
Sở hữu giá trị ngoại hạng toàn cầu về cảnh quan thiên nhiên và địa chất, địa mạo, Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới, VHL luôn là điểm đến của du khách quốc tế khi tới Việt Nam. Di sản này luôn được đánh giá cao của các tạp chí du lịch hàng đầu thế giới cũng như truyền thông quốc tế.
Ngày 1/10/2023, tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Công ty CP tập đoàn Halo Eco khai trương và đưa vào hoạt động du thuyền hạng sang Catherine. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Du khách tham quan VHL được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt của hệ thống hang động đá vôi kỳ thú, như: Hang Sửng Sốt, động Thiên Cung, hang Trinh Nữ, hang Đầu Gỗ, đảo Ti Tốp, động Mê Cung, bãi Ba Trái Đào, bãi tắm ven bờ đẹp nhất của Vịnh. Ngoài ra còn có vô số các vũng vịnh nhỏ, bãi cát hoang sơ nằm rải rác trong Vịnh. Các đảo đá trên VHL có những hình thù riêng, không giống bất kỳ hòn đảo nào ven biển Việt Nam, cũng không có đảo nào giống đảo nào. Không chỉ có vẻ đẹp lung linh huyền ảo, VHL còn mang ý nghĩa về văn hóa, tinh thần, tâm linh to lớn, thể hiện qua truyền thuyết "con Rồng cháu Tiên"… qua những chứng tích lịch sử ý nghĩa, như Thương cảng Vân Đồn, chiến tích Bãi Cháy, Núi Bài Thơ lịch sử, trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng... Tất cả đã tạo nên một VHL lung linh, huyền ảo, hấp dẫn với những giá trị ngoại hạng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Hạ Long mỗi ngày đón khoảng 8.000 lượt khách du lịch. Đặc biệt vào những ngày nghỉ cuối tuần, lượng khách lên đến 11.000 người, trong đó đa phần là khách quốc tế. Các điểm tham quan đón đông đảo du khách, chủ yếu là khách quốc tế từ Hàn Quốc, Ấn Độ, châu Âu, Mỹ… Điều này tiếp tục khẳng định thương hiệu VHL - điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong hành trình khám phá Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung.
Du khách trở về tàu sau khi tham quan động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ. Ảnh: Hằng Ngần
Đặc biệt, Hạ Long đã trở thành điểm đến của các sự kiện quốc gia và quốc tế. Ngày 18 và 19/2/2024, sau 21 ngày vượt hàng ngàn hải lý với những thử thách khắc nghiệt, 11 đội đua tham gia Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới - Clipper Race mùa giải 2023-2024, đã có mặt tại VHL và cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Cuộc đua thu hút hàng trăm thủy thủ tham gia cùng đông đảo phóng viên báo chí truyền thông quốc tế, mang lại hiệu ứng tốt về truyền thông, quảng bá, đầu tư, du lịch và kết nối, tạo mối quan hệ hợp tác bền vững giữa các đối tác quốc tế. Trong khuôn khổ Cuộc đua tại Quảng Ninh, BTC Cuộc đua và thuỷ thủ đã có chuyến tham quan Bảo tàng Quảng Ninh; trải nghiệm đi bộ quanh TP Hạ Long, chợ cá Hạ Long; trải nghiệm làm chả mực Hạ Long; tìm hiểu về phong tục tập quán và văn hóa đặc sắc của người dân thôn Khe Phương (xã Kỳ Thượng); tham quan không gian giới thiệu sản phẩm OCOP... Tham quan Di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới VHL, thành viên các đội đua đều bày tỏ sự hào hứng, ấn tượng trước vẻ đẹp kỳ vĩ, nên thơ của VHL và sự mến khách, thân thiện của người dân nơi đây.
Du khách chụp ảnh tại động Thiên Cung, Vịnh Hạ Long.
Việc trở thành một phần của sự kiện thể thao mang tầm quốc tế như Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới là cơ hội để đưa hình ảnh, thương hiệu du lịch Quảng Ninh, Việt Nam sánh ngang các điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới - nơi Cuộc đua ghé thăm. Ông Josh Stickland, Thuyền trưởng người Anh, Đội đua đại diện cho Quảng Ninh mang tên “Hạ Long Bay, Viet Nam” phấn khởi, cho biết: "VHL là điểm đến tuyệt vời. Vẻ đẹp hiếm có của VHL đã tăng thêm hấp dẫn khi thuyền buồm lướt sóng trên mặt biển. Tôi mong rằng mỗi thủy thủ sẽ là một đại sứ du lịch của tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam, chuyển tải thông điệp tới các đội đua và bạn bè khắp 5 châu về một Quảng Ninh, Việt Nam an toàn, thân thiện, mến khách, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa truyền thống độc đáo, hấp dẫn, cùng khát vọng hợp tác phát triển kinh tế toàn cầu".
Nỗ lực bảo vệ Di sản
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng xây dựng, phát triển TP Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh..., gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới VHL. Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của BCH Đảng bộ tỉnh "Về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững" đã định hướng xây dựng TP Hạ Long nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, là điểm đến của các sự kiện quốc gia và quốc tế; thành phố của Di sản, Kỳ quan… Điều này cho thấy VHL là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong các định hướng quan trọng, bao trùm của tỉnh.
Trước những yêu cầu cấp bách trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản VHL, tỉnh đã và đang tập trung nhiều giải pháp quan trọng. Đặc biệt năm 2023 tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long”. Trên cơ sở kết quả của đề tài, tỉnh đã chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp trước mắt để bảo tồn, đảm bảo an toàn đối với hòn Trống Mái, xây dựng phương án thả phao nổi cảnh báo bao quanh hòn Trống Mái để hạn chế tối đa khả năng va chạm của tàu thuyền; đồng thời báo cáo và đề nghị Bộ VH,TT&DL chỉ đạo, hỗ trợ tỉnh triển khai giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái nói riêng, bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản VHL nói chung.
Cán bộ Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng CSGT, Công an tỉnh) tuyên truyền cho nhân viên tàu nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long.
Song song với đó, hoạt động nghiên cứu về các giá trị của VHL thường xuyên được cơ quan quản lý di sản duy trì, nhất là đánh giá hiện trạng hệ sinh thái rạn san hô, làm cơ sở triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy bền vững giá trị Di sản và khoanh vùng một số rạn san hô có độ phủ cao; khảo sát, lập hồ sơ một số điểm di sản địa chất, địa mạo nhằm bảo tồn và phát huy bền vững giá trị địa chất, địa mạo của Di sản VHL; tăng cường công tác kiểm tra, cảnh báo hiện tượng sạt lở trên các đảo; thu thập, lập cơ sở dữ liệu phục vụ tu bổ, phục dựng các nhà bè bảo tồn trên VHL...
Tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ: Quản lý khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan VHL; Dự án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên VHL nhằm bảo tồn hiệu quả và phát triển bền vững các giá trị của Di sản đã được công nhận, bảo tồn giá trị đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh, đảm bảo tính kết nối với các sinh cảnh liên kết trong khu vực. Các cơ quan quản lý di sản thực hiện giám sát thường xuyên và giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn Di sản VHL, nhằm kiểm đếm, kiểm soát, đánh giá, đưa ra các cảnh báo, nguy cơ tác động đến giá trị Di sản và triển khai các giải pháp bảo vệ kịp thời, phù hợp...
Để phát triển du lịch Vịnh Hạ Long theo hướng bền vững, tăng trải nghiệm cho du khách, bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có trên Vịnh Hạ Long, như: Tham quan hang động, tắm biển, chèo kayak, nghỉ đêm trên tàu du lịch, du thuyền khám phá, tham quan VHL bằng thủy phi cơ...; tỉnh còn ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch gắn với nguồn tài nguyên văn hóa. Nổi bật là trải nghiệm nét văn hóa làng chài Cửa Vạn để xem biểu diễn hát giao duyên, xem phim tài liệu, trình diễn đan ngư cụ lao động...; tham quan di chỉ khảo cổ tại động Mê Cung và khu trưng bày tại Tiên Ông... Năm 2023 tỉnh đã ban hành danh mục 38 sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác, trong đó có 8 sản phẩm được triển khai trên và ven bờ VHL, như: Tuyến phố đêm, phố đi bộ; sản phẩm văn hóa, lịch sử, trải nghiệm leo núi Bài Thơ; du lịch tham quan, ngắm cảnh hồ Hải Thịnh; phố đêm du thuyền; khu trưng bày giới thiệu giá trị Di sảnVịnh Hạ Long tại hang Đầu Gỗ...
Nhân viên tàu nghỉ đêm trên Vịnh thường xuyên được tập huấn công tác phục vụ.
Đồng thời tiếp tục khảo sát các điểm du lịch, khu vực có tiềm năng phát triển du lịch tại khu vực Vịnh Bái Tử Long để hình thành các tuyến du lịch biển đảo kết nối di sản VHL với Vịnh Bái Tử Long, nhằm mở rộng không gian du lịch, giảm tải cho vùng lõi Di sản VHL.
Bám sát chỉ đạo của tỉnh, các địa phương, ngành chức năng cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp nhằm tăng cường quản công tác lý Di sản VHL. Điển hình, Sở Văn hóa phối hợp với Ban Quản lý VHL hoàn thiện Nhiệm vụ lập Quy hoạch quản lý, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh VHL giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh ranh giới VHL; tham gia ý kiến các quy hoạch, dự án thuộc khu vực bảo vệ II của Di tích quốc gia đặc biệt - Vùng đệm của Di sản thiên nhiên thế giới VHL.
Sở Du lịch tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về du lịch đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch, an ninh an toàn... Sở TN&MT từ năm 2020 đến nay đã quan trắc, giám sát chất lượng môi trường nước viển VHL tại 38 điểm với tuần suất quan trắc 3 tháng/lần và 2 trạm quan trắc tự động; 8 điểm quan trắc trầm tích vùng lõi VHL với tuần suất 2 lần/năm. Qua theo dõi diễn biến chất lượng nước biển ven bờ VHL tại những điểm quan trắc ở mức rất tốt và có cải thiện về chất lượng theo thời gian...
Các đội đua chụp ảnh lưu niệm trước khi rời Vịnh Hạ Long để đến chặng đua tiếp theo.
Một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản VHL đó là tỉnh tăng cường hợp tác quốc tế, trong đó coi trọng giữ mối liên hệ mật thiết với các tổ chức, như: UNESCO, IUCN, Trung tâm Di sản thế giới, các tổ chức quốc tế... Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, Quảng Ninh đã nhận được sự tư vấn, hỗ trợ về chuyên gia, nguồn lực phục vụ công tác bảo vệ Di sản VHL. Bên cạnh đó tỉnh tranh thủ các mối quan hệ ngoại giao, phối hợp chặt chẽ với TP Hải Phòng trong giải trình, yêu cầu IUCN về hỗ trợ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. Sau nhiều nỗ lực, ngày 16/9/2023, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên trong nước được ghi danh là tiền đề quan trọng, đóng góp kinh nghiệm, thực tiễn, hướng tới xây dựng mô hình quản lý di sản liên tỉnh, liên biên giới...