Sau thời gian dài ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Quảng Ninh đã bắt nhịp và có bước phục hồi mạnh mẽ, ấn tượng. Với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng đẳng cấp, thương hiệu mạnh và sức hấp dẫn toàn cầu, Quảng Ninh đã và đang từng bước khẳng định là điểm đến hấp dẫn của nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch không chỉ trong nước, khu vực mà còn ở quy mô quốc tế...
Sức hút đối với các sự kiện quốc tế
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long trở thành cái tên được truyền thông trong và ngoài nước nhắc tới như một điểm đến của các sự kiện lớn sau sự kiện Clipper Race mùa giải 2023-2024.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Hạ Long (Quảng Ninh) đã vinh dự được đón 11 đội đua với gần 400 thủy thủ đến từ Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race mùa giải 2023-2024 cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Với sự chuẩn bị chu đáo, đảm bảo các điều kiện tốt nhất về cảng bến, hậu cần, an ninh cùng sự đón tiếp nồng nhiệt, trong 2 tuần dừng chân tại TP Hạ Long đã mang đến cho những vị khách quốc tế những trải nghiệm ấn tượng, sâu sắc.
Việc tham gia đoàn đua và trở thành một trong những điểm dừng chân của Clipper Race mùa giải 2023-2024 chính là cơ hội để đưa hình ảnh, thương hiệu du lịch Quảng Ninh sánh ngang các điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới - nơi cuộc đua ghé thăm; đồng thời quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, nét đẹp văn hóa Quảng Ninh đến bạn bè quốc tế. Đây cũng là cơ hội để Quảng Ninh xúc tiến, thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án về dịch vụ - du lịch.
Ông Iain Grant Frew, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam, chia sẻ: Việc tổ chức Clipper Race đã chứng tỏ năng lực của Quảng Ninh cả về kinh nghiệm, cơ sở vật chất, chuyên môn trong việc tổ chức các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế. Trong 2 tuần dừng chân tại Hạ Long, địa phương các bạn không chỉ mời các thuyền viên đa quốc tịch lưu trú và tham quan, trải nghiệm dịch vụ du lịch hấp dẫn tại Vịnh Hạ Long, tại xã Kỳ Thượng… mà còn tận dụng cơ hội này để tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá và thu hút đầu tư du lịch. Điều này đã thể hiện được sự nhạy bén, tầm nhìn chiến lược thu hút đầu tư quốc tế, thúc đẩy phát triển du lịch của Quảng Ninh, đồng thời khẳng định Quảng Ninh là một điểm đến hấp dẫn đối với cả du khách và các nhà đầu tư quốc tế.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Bộ GTVT, đại diện Đại sứ quán nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam và đại diện các hãng hàng không của Việt Nam, Trung Quốc tham quan máy bay triển lãm của Comac Air tại Sân bay Vân Đồn. Ảnh: Đỗ Phương.
Tiếp nối sự kiện đặc biệt này, chỉ một tuần sau đó, triển lãm hàng không Comac Airshow tiếp tục được tổ chức tại Sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh. Chương trình mở màn cho chuỗi sự kiện triển lãm của hãng máy bay hàng đầu Trung Quốc tại 5 quốc gia Đông Nam Á. Đây cũng là dịp quan trọng đã góp phần mở ra cơ hội quảng bá du lịch và thu hút đầu tư cho tỉnh.
Tính riêng từ năm 2022 đến nay, Quảng Ninh đã chủ trì và được lựa chọn để tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế với hàng nghìn người tham dự. Tiêu biểu, như: Lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, Lễ hội Carnaval Hạ Long, Hội thi giao lưu hát đối hữu nghị Việt - Trung trên sông biên giới, cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung, Liên hoan Xiếc quốc tế - Hạ Long 2019, Festival âm nhạc quốc tế - Hạ Long 2020; Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 năm 2022 gắn với Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập EATOF; SEA Games 31; Cuộc thi “Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung” năm 2022; Lễ hội Hokkaido tại Hạ Long (Hokkaido Festival in Ha Long) năm 2023… Và tới đây là sự kiện Festival Yoga mùa hè tranh Cúp Ngôi sao Yoga sống khỏe toàn quốc lần thứ II năm 2024, dự kiến sẽ thu hút sự tham gia đồng diễn của gần 1.500 người…
Việc tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quan trọng đã góp phần lan tỏa hình ảnh của Quảng Ninh năng động, rực rỡ, đa sắc màu đến với bạn bè quốc tế. Cũng từ đó, góp phần thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến Quảng Ninh. Không những vậy, còn làm sâu sắc hơn tình hữu nghị, tạo xung lực mới đưa quan hệ của Quảng Ninh với nhiều đối tác đi vào chiều sâu, nhất là các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng.
3 tháng đầu năm, tổng lượng khách đến Quảng Ninh ước đạt trên 5,3 triệu lượt, tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 105% kịch bản tăng trưởng. Trong đó, khách quốc tế ước đạt trên 1,2 triệu lượt, tăng tới 410% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 10.200 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Những con số này cho thấy tăng trưởng ấn tượng của du lịch Quảng Ninh ngay trong quý đầu tiên của năm, đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ của lượng khách quốc tế.
Hướng đến trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới
Tiết mục "Âm vang giao hòa - Linh khí hội tụ" mở đầu Chương trình khai mạc Lễ hội Hokkaido tại Hạ Long (Hokkaido Festival in Ha Long) năm 2023.
Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 23/11/2022) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đưa ra mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, là trung tâm công nghiệp văn hóa với những khu nghỉ dưỡng cao cấp có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, thương hiệu mạnh và sức hấp dẫn toàn cầu, có năng lực cạnh tranh cao; liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế. Đây là mục tiêu rất lớn, thể hiện vai trò quan trọng của tỉnh Quảng Ninh trong việc thúc đẩy liên kết quốc tế và khu vực góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
Với những mục tiêu định hướng đặt ra, cụ thể hóa Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đề án cụ thể nhằm thúc đẩy, phục hồi ngành du lịch, chắp cánh cho du lịch của tỉnh vươn tầm quốc tế. Trong đó, phải kể đến Quyết định số 2256/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành ngày 8/8/2023. Quảng Ninh phấn đấu đưa du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, khẳng định vai trò là trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia, đóng góp 15% trong GRDP đến năm 2030. Cùng với đó, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Quảng Ninh luôn quan tâm ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đảm bảo các điều kiện tốt nhất để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe mà mỗi chương trình, sự kiện quy mô, tầm cỡ yêu cầu. Đó là Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long tọa lạc tại Bãi Cháy, Hạ Long - là công trình cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên trên cả nước. Công trình do Tập đoàn Sun Group đầu tư cũng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đón tàu có tải trọng lớn nhất lên đến 225.000 GRT, với tổng số người lên đến 8.460 (gồm cả hành khách, thủy thủ đoàn), phục vụ được 2 tàu đậu cùng lúc.
Dịch vụ văn minh, hạ tầng khang trang, hiện đại chính là những yếu tố hút khách trong, ngoài nước tìm đến khi bắt đầu hành trình đi thăm Vịnh Hạ Long. Không những vậy, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn cũng là hình mẫu sân bay tư nhân duy nhất tại Việt Nam. Đây là sân bay được trang bị đồng bộ công nghệ, hạ tầng tiên tiến nhất ngành hàng không hiện nay. Sau hơn 5 năm đưa vào khai thác, các đường bay quốc tế từ Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn đã kết nối đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Khách quốc tế tham quan Bảo tàng Quảng Ninh.
Không chỉ đảm bảo hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, để tạo điểm nhấn thu hút du khách, Quảng Ninh luôn quan tâm đầu tư, sáng tạo, tổ chức thực hiện nhiều chương trình, hoạt động kích cầu du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mới phù hợp với từng thời điểm, từng địa phương. Năm 2024, Quảng Ninh dự kiến tổ chức 186 chương trình, sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cấp quốc tế, quốc gia và cấp tỉnh, đồng thời xây dựng 62 sản phẩm du lịch mới nhằm đa dạng hóa sản phấm du lịch, gia tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của khách và từng bước đưa địa phương này trở thành điểm đến “Kỳ quan 4 mùa”.
Ngay trong quý II/2024, chuỗi các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch Tuần Du lịch Hè Hạ Long 2024 sẽ được triển khai, nổi bật như: Chương trình Carnaval Hạ Long hè 2024, Lễ hội truyền thống Bạch Đằng, Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh; Liên hoan ẩm thực 2024. Quảng Ninh sẽ tổ chức đoàn Famtrip Hạ Long - Quảng Yên - Đông Triều - Uông Bí trong tháng 4/2024; xây dựng bản đồ số 3D Du lịch… Bên cạnh đó, tỉnh đã, đang chỉ đạo đẩy nhanh việc hoàn thành Đề án phát triển du lịch trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường kết nối, liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, quảng bá, giao lưu quốc tế. Những hoạt động này sẽ là sản phẩm du lịch đa dạng và điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng sức hút cho du lịch Quảng Ninh, nhất là với thị trường khách quốc tế.
Để từng bước hướng tới phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, tỉnh còn không ngừng kết nối hợp tác với các đối tác kinh tế, địa phương nước ngoài thông qua hoạt động xúc tiến đầu tư, cử các thành viên tham gia cùng các đoàn công tác của trung ương làm việc tại nước ngoài và thông qua các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đến nay, Quảng Ninh đã thiết lập quan hệ đối ngoại với 15 địa phương nước ngoài, có quan hệ kinh tế thương mại với trên 70 quốc gia, vùng lãnh thổ và với nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế. Nổi bật như Liên đoàn Du lịch Đông Á (EATOF), hội nghị hợp tác hai hành lang - một vành đai Việt Nam - Trung Quốc, Câu lạc bộ các vịnh đẹp thế giới, tam giác di sản Udonthani (Thái Lan) - Luangprabang (Lào) - Quảng Ninh (Việt Nam). Đồng thời ký 36 thỏa thuận hợp tác quốc tế cấp tỉnh với các địa phương, đối tác nước ngoài; nội dung ký kết phù hợp với nhu cầu hợp tác của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa. Các sở, ngành, địa phương của tỉnh cũng ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các cơ quan, đơn vị, địa phương quốc tế.
Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Sở Văn hoá và Du lịch tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ký thỏa thuận hợp tác.
Mới đây, ngay sau cuộc hội đàm song phương giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh với Sở Văn hóa và Du lịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác, thống nhất nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác ngành du lịch của hai bên thành mô hình kiểu mẫu về du lịch biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch, cho biết: Tỉnh Quảng Ninh cùng với tỉnh Quảng Tây xác định rõ Quảng Ninh là thị trường du lịch Việt Nam trọng điểm của Quảng Tây và Quảng Tây là thị trường du lịch Trung Quốc trọng điểm của Quảng Ninh. Với định hướng hai đồng chí Bí thư tỉnh-khu, ngành du lịch của hai địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết khai thác và phát triển nguồn tài nguyên du lịch mỗi bên, hợp tác nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch mới, độc đáo hấp dẫn nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu đa dạng của khách du lịch và phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách du lịch Việt Nam cũng như Trung Quốc.
Với quan điểm, định hướng phát triển phù hợp, tận dụng hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh địa phương, chắc chắn, Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần đa dạng hóa hoạt động du lịch, đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn 4 mùa, trung tâm du lịch xứng tầm quốc tế. Từ đây, hiện thực hóa mục tiêu đón khoảng 18-20 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 4,5-5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025, trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới trong tương lai.