Đam mê văn hóa truyền thống, nhiệt huyết với du lịch sinh thái bảo vệ môi trường, dám đương đầu với thách thức để mở lối đi riêng. Đó là cách những người trẻ đang tạo ra những sản phẩm du lịch mới, độc đáo của Quảng Ninh.
"Phiên chợ ký ức xưa” của A Thứ
Đi vào hoạt động từ tháng 10/2023 ngay trong khuôn viên quán café Museum, nằm cạnh Bảo tàng Quảng Ninh, “Phiên chợ ký ức xưa” là sản phẩm du lịch do Hội Cổ vật Quảng Ninh phát triển và đăng ký là sản phẩm du lịch mới năm 2024. Khởi đầu phiên chợ chỉ là điểm hẹn cho những người yêu cổ vật, thích sưu tầm cổ vật giao lưu, đến nay dần trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn, là nơi trưng bày, giao lưu, chia sẻ chuyện xưa, đầy hoài niệm không chỉ với những người Quảng Ninh, mà du khách cả trong và ngoài nước.
Du khách trao đổi các món đồ cũ tại "Phiên chợ ký ức xưa". (Ảnh nhân vật cung cấp)
Từ chiếc bàn là con gà (phải cho than nóng vào đậy nắp mới dùng được) gần 80 năm tuổi, đến chiếc máy khâu phượng hoàng nay đã vắng bóng; chiếc điện thoại quay số là biểu tượng cho sự sung túc một thời; chiếc quạt con cóc đơn sơ với tiếng kêu cọt kẹt; những muôi, đĩa được chế từ vỏ máy bay… Tất cả đều gợi lại những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng hào hùng của thế hệ cha anh.
Anh Nguyễn Thanh Hải (TP Hạ Long) chia sẻ: “Phiên chợ này rất hay, rất đặc sắc. Đến đây mọi người được chiêm ngưỡng, chạm vào và nhớ lại những ký ức ngày xưa. Nó mang tính nhân văn và gợi nhắc một thời đã qua. Mỗi món đồ ở đây đều có một câu chuyện riêng, song đều thể hiện tình yêu, cách tri ân quá khứ, sự trân trọng của thế hệ trẻ hôm nay về một thời đất nước gian khó, về ông cha ta đã sống và cống hiến cho bình yên của hiện tại”.
Du khách ngắm nhìn những món đồ cũ tại "Phiên chợ ký ức xưa". Ảnh: Hà Phong
Đến ngõ 7D, phường Cao Thắng (TP Hạ Long) ghé thăm “tổng hành dinh” - nơi lưu giữ những món đồ cũ, đồ xưa, được trưng bày bán, trao đổi trong "Phiên chợ ký ức xưa", chúng tôi tìm gặp anh Lê Minh Thứ (SN 1986, tên thường gọi là A Thứ), Chánh Văn phòng Hội Cổ vật tỉnh, người chủ trì đứng sau sản phẩm “Phiên chợ ký ức xưa”. Giữa tầng tầng, lớp lớp những món đồ xưa cũ, chiếc nọ xen lẫn chiếc kia, anh Thứ say sưa kể với chúng tôi về món đồ mà anh mới sưu tầm được và cơ duyên khiến anh đưa sản phẩm ra phục vụ du khách.
“Năm 2018 sau khi thôi việc trong doanh nghiệp nhà nước, tôi ra ngoài thành lập công ty du lịch riêng. Lúc đó sản phẩm du lịch chỉ có tour phổ biến phục vụ khách công ty, trường học đi 2 ngày 1 đêm tới những điểm như Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn, Cẩm Phả. Sau một thời gian khai thác du lịch theo cách này, tôi khai thác thêm các tour đưa khách về khu vực miền núi của Hạ Long, trải nghiệm vườn cam, vườn ổi.”
Anh Lê Minh Thứ say mê chia sẻ về những món đồ cũ.
Tuy nhiên, ngay cả khi chuyển sang những tour du lịch có tính khám phá như vậy, anh Thứ vẫn không thấy hài lòng. “Tôi không còn hài lòng với việc cung cấp những tour du lịch đơn thuần chụp ảnh, check-in, tắm biển nữa, mà mong muốn mang tới những sản phẩm mà sau chuyến đi điều đọng lại với họ là những cảm xúc riêng, sâu lắng, đầy hoài niệm. Một chuyến đi khiến cho họ sẽ nhớ thật lâu về Quảng Ninh”.
Du lịch lặn biển và nhặt rác của "Đức Cô Tô"
Sinh ra và lớn lên tại Cô Tô, anh Phạm Văn Đức (SN 1992), ông chủ trẻ của Công ty TNHH Khám phá Cô Tô (Cô Tô Adventure), là người đứng sau sản phẩm du lịch độc đáo: Lặn biển ngắm san hô. Anh là người tiên phong đưa môn lặn biển về vùng biển Cô Tô, nhờ đó Cô Tô cũng là nơi duy nhất ở miền Bắc đang khai thác sản phẩm du lịch này.
Để đưa lặn biển trở thành sản phẩm du lịch, cùng với hoàn thiện các thủ tục pháp lý, thì điều quan trọng là anh Đức có được đội ngũ HLV bộ môn lặn chuyên nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ du khách, đưa ra chỉ dẫn và hỗ trợ mọi lúc, mọi nơi, thân thiện, dễ mến, giúp du khách chụp ảnh hay tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường dưới biển, như nhặt rác, trồng san hô, dọn rác trên bãi biển.
Du khách lặn biển bằng ống thở ngắm san hô tại đảo Thanh Lân (huyện Cô Tô).
Vượt hàng nghìn cây số để đến Cô Tô lặn biển, nhặt rác, ông Tim Jones (du khách đến từ Anh) cho biết: “Thật tuyệt vời! Tôi được ngắm nhìn đáy biển với những rạn san hô nhiều màu sắc và rất nhiều loài cá, các loài sinh vật biển. Càng tuyệt vời hơn khi tôi được góp sức dù là rất nhỏ thôi để giúp Cô Tô sạch hơn. Những gì các bạn đang làm cần được nhân rộng lên để giúp môi trường xanh, sạch hơn. Trải nghiệm tại Cô Tô khiến tôi rất vui và hạnh phúc vì mình được làm việc có ích”.
“Tôi sinh ra và lớn lên tại Cô Tô, tôi yêu mảnh đất này. Vì thế khi làm du lịch tôi tâm niệm rằng mình phải giúp quê hương mình đẹp hơn mỗi ngày. Trước mối đe dọa từ rác thải nhựa, rác thải du lịch, tôi nghĩ tại sao lại không cho du khách tham gia nhặt rác để bảo vệ môi trường. Vậy là tour du lịch kết hợp nhặt rác ra đời”, anh Đức chia sẻ.
Anh Phạm Văn Đức, Giám đốc Công ty Cô Tô Adventure, hướng dẫn các quy định khi lặn ngắm san hô cho du khách.
Sản phẩm du lịch lặn biển vừa mang tính khám phá độc đáo, vừa mang tính sinh thái, phụ thuộc vào môi trường thiên nhiên, nên làm sao để giảm tác động tiêu cực tới môi trường luôn là ưu tiên hàng đầu của anh Đức. Anh cho biết khi tham gia vào tour du lịch, du khách được khuyến cáo không sờ, chạm vào san hô, hạn chế sử dụng kem chống nắng để tránh ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của san hô.
Du khách cùng nhân viên Công ty Cô Tô Adventure dọn rác trên bãi biển ở đảo Thanh Lân (huyện Cô Tô).
Cô Tô Adventure sau 3 đợt nuôi cấy san hô thành công tại các điểm lặn biển được cấp phép, đang hoàn thiện sản phẩm, dự kiến đưa “lặn biển cấy san hô” vào phục vụ từ tháng 9/2024.
Những người trẻ, bằng tình yêu quê hương, thiên nhiên, môi trường, sự trân trọng, nâng niu với lịch sử, văn hóa và quá khứ, đang tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, có dấu ấn riêng. Con đường mà họ đang đi chắc nhiều người từng nghĩ tới, nhưng họ là người đặt những bước chân đầu tiên. Những doanh nhân trẻ làm du lịch bằng tình yêu và sự đam mê, đang góp phần đưa du lịch Quảng Ninh đi theo hướng ngày càng đặc sắc và bền vững.